Cao Thị Hiền

Tranh chấp di sản thừa kế không có di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên, không phải lúc nào người có di sản cũng để lại di chúc phân chia di sản thừa kế trước khi chết. Vậy, nếu có tranh chấp về di sản thừa kế xảy ra thì việc giải quyết như thế nào? Hãy cũng Luật Minh Gia tìm hiểu thông qua tình huống dưới đây.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Bố tôi kết hôn với vợ cả từ năm 1983 không có giấy đăng ký kết hôn và có sinh được 2 người con trai. Sau đó do không hợp nhau nên bố tôi đã bỏ người vợ đó lên sống với mẹ tôi, nhưng cũng không có đăng kí kết hôn và sinh ra tôi và em trai. Còn hai người con riêng của bố tôi do người vợ trước nuôi, nhưng bố mẹ tôi vẫn có trách nhiệm chăm lo cho 2 người con đó. 2 năm gần đây bố tôi bị bệnh, chăm sóc chủ yếu là mẹ con tôi, còn 2 anh chỉ thỉnh thoảng thăm 1 tí và chưa đóng góp được gì chữa bệnh cho bố và chưa thay thế được cho mẹ tôi hôm nào để trông nom bố tôi trong bệnh viên. Tháng 1 năm 2023, bố tôi qua đời, trước khi mất bố có dặn lại với họ hàng với các con là "phần của ai bố cho hết rồi, không ai chanh chấp của ai nữa", cả 2 anh con riêng của bố tôi cũng có mặt ở đó. Lễ tang được tổ chức tại nhà tôi nhưng được mấy hôm sau thì 2 anh kia viết đơn ra xã, ra huyện yêu cầu đòi chia tài sản bố tôi để lại, bao gồm có xe ô tô đứng tên bố tôi (nhưng xe ô tô để thế chấp để chữa bệnh cho bố, mẹ tôi đã giải quyết), cùng với một ngôi nhà + một miếng đất đứng tên bố và mẹ tôi.

Hôm trước mẹ tôi có viết đơn yêu cầu UBND xã xác nhận chung sống với bố tôi từ năm 1986 và đã được đồng ý. Vậy tôi muốn hỏi ngôi nhà + miếng đất đứng tên cả bố cả mẹ tôi thì 2 anh kia sẽ được phân chia như thế nào ạ? Cái việc phân chia này có căn cứ thêm vào việc 2 anh con riêng không chăm sóc và không bỏ ra kinh phí lo tang lễ cho bố tôi không ạ? hay nói cách khác là việc suy đồi đạo đức không ạ? Tôi mong công ty tư vấn giúp tôi ạ! Tôi xin chân thành cảm ơn!   

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc miệng như sau:

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Đồng thời, Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định:“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì trước khi bố bạn mất có dặn dò trước mặt con cái và hàng xóm "phần của ai bố cho hết rồi, không ai tranh chấp của ai nữa", đây là lời nói cuối cùng của bố bạn, tuy nhiên lời nói này không được xác định là di chúc miệng hợp pháp vì bố bạn mất sau thời gian dài chữa bệnh mà không phải cái chết bị đe dọa ngay tức thời. Đồng thời di chúc miệng này cũng chưa được người làm chứng ghi lại, điểm chỉ và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, khi bố bạn mất, di sản thừa kế của bố bạn sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, vì bạn không nhắc đến bố mẹ của bố bạn nên chúng tôi hiểu rằng mẹ bạn, bạn, em trai bạn cùng với hai người con riêng sẽ được hưởng di sản thừa kế do bố bạn để lại. Theo thông tin bạn cung cấp, tài sản của bố bạn bao gồm có xe ô tô đứng tên bố tôi (nhưng xe ô tô để thế chấp để chữa bệnh cho bố, mẹ tôi đã giải quyết), cùng với một ngôi nhà + một miếng đất đứng tên bố và mẹ tôi. Việc chia di sản thừa kế của bố bạn sẽ được thực hiện như sau:

 Đối với xe ô tô để thế chấp, để thực hiện chia sản thừa kế thì những người thừa kế phải thanh toán nghĩa vụ tài chính do người chết để lại. Sau khi xóa thế chấp giá trị xe ô tô sẽ được chia đều cho 5 người.

Đối với ngôi nhà + một miếng đất đứng tên cả bố và mẹ bạn. Lúc này quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở sẽ được chia đôi, bố bạn một nửa, mẹ bạn một nửa. Phần quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của bố bạn sẽ được chia đều cho 5 người bao gồm: mẹ bạn, bạn, em trai bạn và hai người con riêng.

Trân trọng!

Phòng tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo