Nguyễn Ngọc Ánh

Trách nhiệm khi nhận tiền nhưng không giao hàng

Câu hỏi: Xin anh chị tư vấn dùm tôi trường hợp đã giao tiền nhưng bên bán không giao hàng như sau : Tôi làm việc cho một công ty cây xanh, tôi không có hợp đồng, mỗi tháng 10 triệu. Cty cử tôi đi đặt một số đơn hàng để chuẩn bị thi công công viên cây xanh. Khi tôi tới đặt hàng ở một mối làm ăn quen biết, có đặt tiền nhiều lần cho mối đó để làm hàng. Nhưng trao tiền không có giấy tờ gì cả.

 

Sau này tôi mới làm một giấy biên nhận bằng tay ghi tổng số tiền người ta đã ứng và có chữ ký người đó. Nhưng hiện tại tôi gọi để lấy hàng thì người ta không nghe máy, nhắn tin không trả lời. Hiện tại tôi bị mất việc làm, mất uy tín trong cty, trong thị trường cây xanh. Tôi muốn kiện người đó để lấy lại số tiền đặt hàng, tiền thất nghiệp và yêu cầu bồi thường danh dự, uy tín của tôi có được không. Và tỷ lệ thắng kiện của tôi sẽ thế nào. Tôi cần những điều kiện như thế nào để thắng kiện. Tiền ứng trong giấy biên nhận là 120 triệu. Tiền ứng không giấy tờ là 30 triệu. Với số tiền này người đó có bị đi tù không, và ít nhất là mấy năm. Nhờ anh chị tư vấn giúp em.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

Điều 430 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng mua bán tài sản:

 

Điều 430. Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.

 

Điều 351 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ:

 

Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

 

Điều 186 BLTTDS 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".

 

Căn cứ các quy định của luật và thỏa thuận mua bán cây xanh giữa các bên, trường hợp bên bán đã nhận tiền nhưng không thực hiện nghĩa vụ giao cây xanh theo đúng hạn được xác định là vi phạm nghĩa vụ. Theo đó, bên bán phải chịu trách nhiệm dân sự đôi với bên có quyền: tiếp tục thực hiện nghĩa giao hàng hóa hoặc trả tiền và bồi thường thiệt hại (nếu có).

 

Vậy, theo Điều 186 BLTTDS 2015 thì anh có quyền gửi đơn tới TAND quận, huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc nơi đóng trụ sở (bị đơn là tổ chức) để yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ của mình nếu các bên không tự thỏa thuận hoặc bị đơn cố tình trốn tránh.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mình, căn cứ Điều 6 BLTTDS 2015 thì anh cần cung cấp cho TAND toàn bộ tài liệu, chứng cứ và chủ động chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ (giấy biên nhận bằng tay, bản tự khai,.....cùng toàn bộ các tài liệu khác liên quan).

 

Đối với vụ án trên, với số tiền 120 triệu VNĐ có giấy biên nhận thì có thể có căn cứ để đòi lại; còn đối với số tiền 30 triệu không có chứng từ mà người bán không thừa nhận đã nhận, anh không cung cấp được giấy tờ chứng minh yêu cầu sẽ bị TAND bác phần yêu cầu khởi kiện trên.

 

Xét yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín và bồi thường tiền thất nghiệp của anh: Mặc dù như phân tích thì bên bán có trách nhiệm đối với anh nhưng theo chúng tôi thiệt hại về danh dự, uy tín và bồi thường tiền thất nghiệp không thuộc trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng.

 

Ngoài trách nhiệm dân sự như đã phân tích, nếu bên vi phạm hợp đồng có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền của anh (không liên lạc được điện thoại, không nhắn tin được và cung cấp những thông tin không đúng sự thật,....) thì anh có quyền gửi đơn tố giác tội phạm tới Cơ quan có thẩm quyền tại Điều 145 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

 

Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

BLHS 2015 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 như sau:

 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt được số tiền theo quy định tại Điều 174 sẽ bị truy cứu TNHS và phải chịu hình phạt theo Luật định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm khi nhận tiền nhưng không giao hàng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo