Phạm Diệu

Trách nhiệm khi gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?

Luật sư tư vấn về trách nhiệm khi gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin kính chào luật gia. Tôi xin được sự trợ giúp từ luật gia sự việc như sau:- em tôi có chăn thả bò nhưng bất cẩn để bò ăn vài cây chuối của nhà hàng xóm. Khi xảy ra sự việc 2 bên có to tiếng qua lại. Người hàng xóm sau đó đã lén lút chặt phá 1 số diện tích cây keo đã trồng 2 năm. Em tôi có nói chuyện với người hàng xóm nhưng do không có chứng cứ nên bỏ qua. - Sau lần xảy ra sự việc người hàng xóm có 1 lần ném đá em tôi xong bỏ trốn vào nhà. Vì tức giận nên khi nói chuyện cùng bà con lối xóm có nói sẽ đánh nó vì nhỏ mà hỗn láo.- Vừa rồi khi đi chăn bò, không rõ lý do gì nhưng người hàng xóm đã chém em tôi 1/2 khuôn mặt, em tôi đỡ lại bằng tay nên cả 2 tay bị chặt sâu gây đứt cơ. Điều đáng nói là tổng cộng trên người em tôi có đến 7 vết chém trọng thương. Và khi chém người này đã say rựu. Sau đó em tôi có tước đoạt dao và đem về nhà mà không chém lại (tình huống xảy ra chỉ có 2 người không có nhân chứng).- Khi em tôi được chuyển thẳng bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu, đêm đó công an huyện có mời người hàng xóm làm việc nhưng ngay lập tức thả ra vì người hàng xóm khai là đang ngủ trong buồng em tôi vào đánh nên chém( do em tôi đang hôn mê nên không thể hỏi rõ nhưng tôi thấy vô lý là làm sao em tôi biết người hàng xóm ở trong buồng ngủ mà vào đánh để đến nỗi bị chém. Mặc khác người hàng xóm nói bị bóp cổ nhưng không hề có thương tích ngoài da). Thật sự tôi nghe nói là vết máu từ buồng ngủ kéo ra.- Bản thân em tôi sống tại địa phương không có tai tiếng, từ nhỏ đã ăn chay, không biết bia rựu, thuốc lá. Người hàng xóm lại là sâu rựu và thường xuyên gây chuyện quanh xóm.Với sự việ như vậy, kính mong luật gia tư vấn giúp gia đình tôi:- thủ tục pháp lý để khởi kiện tại toà án huyện- Khả năng em tôi sai khi sự việc xảy ra trong nhà hàng xóm nhưng như vậy người hàng xóm có được gọi là tự vệ chính đáng không? (em tôi vào nhà không mang hung khí có thể vào để nói phải trái)- Việc khởi kiện cần các yếu tố nào và em tôi như vậy đúng hay saiTôi xin chân thành cảm ơn luật gia và mong được hồi âm.Kính chúc luật gia mạnh khoẻ!

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

 

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này...”

 

Để xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần xét các yếu tố như sau:

 

- Về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).

 

- Về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.

 

- Về hành vi chống trả là cần thiết: Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

 

Theo như thông tin bạn cung cấp, hiện tại em của bạn vẫn đang trong tình trạng hôn mê, chưa cung cấp được lời khai cho cơ quan công an, phía cơ quan công an mới chỉ thu thập được lời khai từ người hàng xóm. Như vậy, trong trường hợp này nếu chỉ căn cứ theo lời khai của người hàng xóm thì chúng tôi chưa thể khẳng định được hành vi của người hàng xóm là "phòng vệ chính đáng""vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" hay là “cố ý tấn công gây thương tích”. Việc xác định này còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường, cùng với việc thu thập các chứng cứ chứng minh của cơ quan có thẩm quyền.

 

Thứ nhất, hành vi của người hàng xóm được coi là phòng vệ chính đáng khi thỏa mãn các điều kiện theo những phân tích trên. Theo đó, người hàng xóm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Thứ hai, hành vi của người hàng xóm được xác định là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người hàng xóm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

 

“Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm...” 

Như vậy, trong trường hợp này hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng của người hàng xóm và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho em của bạn mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

 

Thứ ba, hành vi của người hàng xóm không được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng mà trên thực tế xác định được người hàng xóm có sự tấn công, cố ý gây thương tích thì hành vi của người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017:

 

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm.”

 

Như vậy, trong trường hợp này, sẽ căn cứ vào hành vi, hậu quả tỷ lệ thương tật và kết luận từ phía cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo