Lại Thị Nhật Lệ

Trách nhiệm hình sự và bảo lãnh người gây tai nạn giao thông

Bố cháu trên đường đi lấy hàng đã xảy ra tai nạn khiến 1 người chết và 1 người bị thương. Sau khi đưa cả 2 đi bệnh viện bố cháu đã ra đầu thú và bị giam giữ đến nay đã 23 ngày. Gia đình đang rất lo lắng vì không được gặp mặt bố cháu để hỏi han tình hình và đã làm đơn xin bảo lãnh cách đây 2 ngày nhưng không được.

 

Thủ tục gồm đơn xin bảo lãnh và 1 Đơn Đề Nghị xin ý kiến bên bị nạn với nội dung: bên chúng tôi đề nghị thả người. Nhưng họ không kí họ nghĩ kí xong là bên nhà cháu sẽ hết trách nhiệm vớ gia đình họ trong khi nhà cháu cũng chưa giải quyết dân sự xong tại gia đình không có điều kiện. Vậy luật sư cho cháu hỏi đơn đề nghị cháu nói trên có ý nghĩa như thế nào và nó có tương đương như đơn bãi nại không mà gia đình bên ấy ko chịu kí cho bố cháu về. Đơn đó Có ảnh hưởng đến việc xét xử sau này hay không. Mong ls sớm giải đáp để bố cháu được về a (hiện nay đã là 29 tết rồi a) cảm ơn nhiều ạ.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:

 

" Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;..."

 

Như vậy, theo quy định của bộ luật hình sự thì nếu bố bạn điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm, tính chất, mức độ của hành vi để xác định khung hình phạt, mức hình phạt tương ứng. Trong trường hợp, bố bạn gây ra tai nạn chết người nhưng không có lỗi, không vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ: do bất khả kháng, khách quan hoặc do lỗi của người bị thiệt hại thì bố bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Và căn cứ theo điều 155 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về khởi tố trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của người bị hại thì tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không thuộc một trong những trường hợp khởi tố trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của người bị hại. Do đó nếu bên cơ quan điều tra xác định bố bạn phạm tội thì không phụ thuộc vào việc người bị hại có yêu cầu khởi tố hay không thì bố bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đơn đề nghị thả người hay đơn bãi nại của bạn sẽ không có giá trị trong trường hợp này.

 

Tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về điều kiện và thủ tục bảo lĩnh (bảo lãnh) như sau:

 

“...Điều 121. Bảo lĩnh

 

1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

 

2. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

 

Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

 

Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh....”.

 

Căn cứ quy định trên thì trong giai đoạn điều tra, gia đình bạn có thể làm đơn bảo lĩnh cho bố của bạn. Tuy nhiên việc cho bố của bạn được bảo lĩnh hay không tại giai đoạn điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ phạm tội. Gia đình bạn có thể cử ra ít nhất hai người (đáp ứng các điều kiện nói trên) làm đơn xin bảo lãnh cho người nhà bạn tại ngoại, đơn này phải có xác nhận của UBND cấp xã - nơi người bảo lãnh cư trú, sau đó gửi đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.

 

Ngoài ra, bố bạn sẽ phải thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cho người bị hại.

 

Căn cứ theo Điều 591 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:

 

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định....”

 

Và theo Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 593. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm như sau:

 

1. Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.


2. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:


a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;


b) Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.


3. Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.”

 

Như vậy, bố bạn sẽ phải bồi thường các khoản theo quy định cho người bị thiệt hại về tính mạng và thiệt hại về sức khỏe. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, phương thức bồi thường và mức bồi thường sẽ tương ứng với mức độ lỗi của bố bạn. Nếu các bên không thỏa thuận được thì có quyền làm đơn khởi kiện lên Tòa án yêu cầu giải quyết.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn