Lại Thị Nhật Lệ

Trách nhiệm của người gây ra tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người.

Vào ngày 28/12/2016 trên đường đi làm. Anh trai em đi xe máy (môtô) theo đúng phần đường quy định khi đến khúc cua đã va chạm với một chiếc xe ô tô tải đang chở đất (khoảng 40 tấn) làm anh em đi xe máy chết khi đi cấp cứu. Theo vạch vôi công an vẽ trên đường sau khi tai nạn xảy ra thì xe ô tô chạy 60 km/h và chạy lấn sang phần đường xe máy khoảng 1 mét.

 

 Khi va chạm thì xe ô tô kéo xe máy và tài xế xe máy về hẳn sát bên lề bên phải của làn đường xe ô tô cách 10 m nơi xảy ra va chạm. Và tài xế chạy trốn mất khỏi hiện trường. Sau khi pháp y giám định nạn nhân (người điều khiển xe máy) xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong là nát 1 nửa người và chết.Trong lúc mai táng nạn nhân thì bên chủ xe có đến đưa 10 triệu đồng. Được biết tài xế lái xe tải là do chủ xe tải thuê bên ngoài và trả lương tháng. Cho đến thời điểm này (cách lúc xảy ra tai nạn 49 ngày). Nạn nhân là nam đã có vợ và 2 con nhỏ một cháu học lớp 10, cháu thứ 2 học lớp 5, hiện đang nuôi dưỡng mẹ già ngoài tuổi lao động (79 tuổi).

 

Hỏi:

1/ Bên nào là người chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn này (chủ xe tải hay tài xế xe, chủ xe tải  là công ty TNHH SX&TM  )

 

2/ Trách nhiệm bồi thường như thế nào, tổng là bao nhiêu tiền. Bên xe gắn máy có phải đưa đơn vào cơ quan công an để thưa kiện bên xe ô tô không, nếu có hồ sơ gồm những gì?

 

3/ Thời gian xét xử vụ tại nạn này tối đa là bao lâu, nếu lâu quá thì bên xe gắn máy có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xét xử sớm hơn được không.Em xin thành thật cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

1/ Bên nào là người chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn này (chủ xe tải hay tài xế xe, chủ xe tải  là công ty TNHH SX&TM  ).

 

Căn cứ theo Điều 584 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Như vậy, theo quy trên thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Ai là người trực tiếp gây ra vụ tai nạn là người chịu trách nhiệm bồi thường chính cho người bị thiệt hại. Bác tài xế lái xe ô tô là người trực tiếp có lỗi gây ra tai nạn thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

 

Nhưng bác tài xế lái xe theo hợp đồng cho công ty TNHH SX&TM do đó bạn có quyền yêu cầu bên phía công ty phải thực hiện bồi thường cho gia đình bạn. Bên phía công ty sẽ có trách nhiệm yêu cầu tài xế hoàn trả lại số tiền trên cho công ty.

 

2/ Trách nhiệm bồi thường như thế nào, tổng là bao nhiêu tiền. Bên xe gắn máy có phải đưa đơn vào cơ quan công an để thưa kiện bên xe ô tô không, nếu có hồ sơ gồm những gì?

 

Căn cứ theo Điều 591 bộ luật lao động năm 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:

 

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì hiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Người gây thiệt hại sẽ bồi thường các khoản chi phí nêu trên: chi phí mai tang (do anh bạn mất khi đang đưa đi cấp cứu), tiền bồi cấp dưỡng cho 2 người con chưa thành niên và bố mẹ già yếu không có khả năng lao động mà anh bạn có trách nhiệm nuôi dưỡng và tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần (mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do nhà nước quy đinh). Mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ lỗi, thiệt hại xảy ra và các chi phí thực tế để đưa ra mức bồi thường.

 

Hồ sơ bạn cần chuẩn bao gồm: đơn khởi kiện (theo mẫu);  Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

 

Ngoài ra, người nào có lỗi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ mà gây thiệt hại về tính mạng và tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 202 bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009. Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định thì tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không thuộc một trong các trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của người bị hại theo đó nếu bên cơ quan điều tra xác định người này có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự. 

 

4/ Thời gian xét xử vụ tại nạn này tối đa là bao lâu, nếu lâu quá thì bên xe gắn máy có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xét xử sớm hơn được không.

 

Theo Điều 203 bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử:

 

“1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

 

Và theo Điều 176 bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử:

 

“1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử ;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.”

 

Như vậy, thời gian chuẩn bị xét xử vụ án hình sự (trong trường hợp người gây tai nạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự) và dân sự (gia đình bạn có yêu cầu bồi thường thiệt hại) tương ứng với từng trường hợp theo quy định nêu trên. Đối với thời gian xét xử vụ án tùy nội dung, tình tiết vụ án. Để vụ án được nhanh chóng đem ra xét xử và giải quyết nhanh chóng thì bạn phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và tài liệu kèm theo cho Tòa án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga- Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo