Luật gia Nguyễn Nhung

Trách nhiệm của giám đốc công ty khi người được ủy quyền vi phạm pháp luật

Hiện nay tôi có ý định mở thêm 1 công ty khác của riêng tôi nên tôi định viết giấy ủy quyền cho người khác thay tôi thực hiện quyền giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nếu người được tôi ủy quyền điều hành công ty làm công việc trái pháp luật thì về pháp lý tôi có chịu trách nhiệm gì không? Nội dung tư vấn như sau:

 

Luật sư cho tôi hỏi: Hiện tôi và 3 người bạn có thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Tôi là 1 trong 4 thành viên sáng lập và là người đứng tên giấy phép đăng ký kinh doanh và ngừoi đại diện theo pháp luật của công ty. Sau thời gian hoạt động công ty tôi đã đi vào nề nếp hoạt động khá ổn định. Hiện nay tôi có ý định mở thêm 1 công ty khác của riêng tôi nên tôi định viết giấy ủy quyền với nội dung "- Nay ủy quỳên cho ông.... thay tôi thực hiện quyền giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty...- Ông ... có toàn quyền điều hành, quản lý, quyết định mọi công việc của công ty theo đúng quy định của pháp luật và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật  và hội đồng thành viên về tổ chức và hoạt động của công ty trong thời gian được ủy quyền- Thời hạn ủy quyền: Từ ngày ký giấy ủy quyền cho đến khi có văn bản khác thay thế".Vậy cho tôi hỏi khi tôi đi vắng nếu người được tôi ủy quyền điều hành công ty làm công việc trái pháp luật thì về pháp lý tôi có chịu trách nhiệm gì không? Xin luật sư giải đáp thắc mắc của tôi. Tôi thành thật biết ơn!

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về người đại điện theo pháp luật đối với công ty TNHH như sau:

 

“Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

 

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

 

3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

 

4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

 

a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

 

b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

 

5. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

 

6. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

 

7. Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.”

 

Như vậy, theo quy định trên thì việc ủy quyền của anh lại cho A là hoàn toàn phù hợp vì việc ủy quyền được lập thành văn bản ( giấy ủy quyền), có thời hạn ủy quyền cụ thể là đến khi có văn bản khác thay thế.

 

Về phạm vi đại diện theo ủy quyền, Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

 

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Người được đại diện đồng ý;

 

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

 

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

 

2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

 

3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

 

4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.”

 

Như vậy, nếu người được ủy quyền vi phạm pháp luật, anh sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp: Anh đã đồng ý; anh biết mà không phản đối; hoặc anh có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo