Luật sư Trần Khánh Thương

Trách nhiệm bồi thường khi gây tai nạn giao thông

Xin chào anh chị luật sư, Xin anh tư vấn giúp cho trường hợp cháu của tôi Hiện nay cháu 12 tuổi sống tại Tx G, Cháu đang đi xe đạp trên đường làng thì bị ô tô đâm phía sau bị chấn thương sọ não và đã được mổ do bị thủng sọ. Hiện nay cháu đã ra viện sức khỏe đang được theo dõi . Bác sỹ cũng khẳng định sau này cháu có bị dộng kinh hay thời tiết thay đổi có bị đau đầu hay không thì không khẳng định được.

Người lái xe oto trước khi đâm cháu tôi đã đâm vào cọc chắn đường và tiếp tục vẫn đi trong tình trạng có hơi men. Gia đình đã đến xin bồi thường 35 triệu đồng trong đó có có 25 triệu tiền viện phí và 10 triệu tiền bồi dưỡng. Bây giờ gia đình ko biết quy định pháp luật về bồi thường như thế nào mong được tư vấn có kết quả tốt nhất. Mong đợi hồi âm

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự

Theo quy định của Luật hình sự Việt Nam hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…”

Thứ hai, về trách nhiệm dân sự

Người gây ra tai nạn cho em bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại điều 584 BLDS 2015:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Đối với thiệt hại về sức khoẻ, mức bồi thường được quy định tại Điều 590 BLDS 2015 như sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Theo đó, gia đình có thể đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, về tổn thất tinh thần trên cơ sở các chi phí quy định tại Điều 590 BLDS 2015.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

Trên cơ sở quy định của pháp luật, hi vọng gia đình thoả thuận được mức bồi thường và phương thức bồi thường thoả đáng. Nếu bên gây thiệt hại không đáp ứng yêu cầu đòi bồi thường, gia đình có thể gửi đơn khởi kiện đến TAND nơi bị đơn thường trú để Toà giải quyết.

Tuy nhiên, gia đình cũng cần lưu ý về vấn đề thời hiệu vì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là ba năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169