Phạm Việt Hằng

Tội rửa tiền và những điều cần lưu ý

Ngày nay, khi hình thức thanh toán thông qua thẻ tín dụng ngày càng trở nên phổ biến đã kéo theo không ít các hình thức phạm tội được thực hiện khi lợi dụng sự thuận tiện này. Rửa tiền qua thẻ tín dụng cũng không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp người thực hiện hành vi rửa tiền sử dụng thẻ tín dụng của người khác để thực hiện hành vi phạm tội, khiến người đó không biết và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy trong trường hợp trên cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Tình huống sau đây là một ví dụ.

Câu hỏi:

Xin chào ạ. Mình có vấn đề cần giúp đỡ giải đáp như sau ạ: Ngày trước mình có cho một người bạn thân thiết của mình mượn thẻ ngân hàng trong một ngày với lí do nói với mình là chuyển tiền đơn giản. Nhưng sau đó mình được tin người bạn đó đã lấy thẻ mình để thực hiện hành vi rửa tiền cùng với những người khác. Vì đã thực hiện được trót lọt nên bây giờ mình đang bị điều tra về tội danh giúp đỡ rửa tiền. Cho mình hỏi với tội danh của mình thì sẽ bị xử lí như nào và mình nên cần làm gì bây giờ ạ. Mình xin cảm ơn đội ngũ luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

1. Rửa tiền là gì?

Tội rửa tiền về bản chất là hành vi hợp pháp hoá tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có và tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác, nhất là các tội phạm về kinh tế như kinh doanh trái phép, trốn thuế, buôn lậu, các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm về ma tuý...

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012:

“Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.”

Các hành vi rửa tiền cụ thể tại Bộ luật Hình sự bao gồm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Mức hình phạt khi thực hiện các một trong các trường hợp trên là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Bên cạnh đó, mức hình phạt có thể thay đổi tùy vào hành vi phạm tội cụ thể như sau:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Theo quy định trên thì khi thực hiện một trong các hành vi được liệt kê thì có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và mức hình phạt sẽ tùy thuộc vào mức độ phạm tội đã được quy định.

2. Đồng phạm là gì? Trường hợp nào bị xem là đồng phạm theo quy định pháp luật?

Đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) bao gồm:

“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai người và những người này phải có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm (phải có điều kiện có năng lực trách nhiệm hình sự: có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi cũng như đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự).

Theo quy định trên, trường hợp được coi là đồng phạm có xét đế yếu tố lỗi cố ý. Mỗi người phải cố ý tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi như sau: thực hành, tổ chức, xúi giục, giúp sức. Nếu không có một trong những hành vi này thì không thể coi là cùng thực hiện và do đó cũng không thể coi là người đồng phạm.

Trong trường hợp của bạn, bạn đang bị điều tra về việc giúp đỡ rửa tiền. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hiện chưa có Điều luật cụ thể cho trường hợp giúp đỡ rửa tiền nên bạn có thể đang bị điều tra với hình thức là đồng phạm. Tuy nhiên, như đã phân tích trên đây, để được coi là đồng phạm trước hết phải xét đến yếu tố lỗi cố ý. Theo như trình bày của bạn thì bạn cho mượn thẻ ngân hành với mục đích cho mượn đơn thuần, không có mục đích vi phạm pháp luật nào khác nên trong trường hợp này không có căn cứ để kết luận rằng bạn thực hiện hành vi với lỗi cố ý hay bạn đã biết về hành vi rửa tiền trên. Thêm nữa, cũng theo quy định về đồng phạm trên,  người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức tương ứng với các hành vi tham gia theo từng tên gọi. Hiện bạn không tham gia vào việc rửa tiền với hình thức nào như được liệt kê nên càng không có căn cứ để cho rằng hành vi của bạn là giúp đỡ rửa tiền hay bạn là đồng phạm cho việc rửa tiền trên.

3. Hướng xử lý trong trường hợp này:

Bạn cần có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra để cho lời khai cũng như cung cấp các chứng cứ có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu tổ chức tài chính thực hiện nghiệp vụ nhận biết khách hàng để xác minh, kiểm tra các giao dịch qua thẻ ngân hàng của bạn. Việc nhận biết thông tin khách hàng được quy định tại Điều 3 Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng, chống rửa tiền như sau:

“1. Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau:

a) Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác;

b) Khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp;

c) Khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn. Giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn là giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày;

d) Khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo;

đ) Khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;

e) Khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.”

Như vậy, trong trường hợp này bạn cần hợp tác thành thật khai báo với cơ quan điều tra về việc cho mượn thẻ ngân hàng mà không biết trước được hành vi của người phạm tội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia. Mọi thông tin, hồ sơ bổ sung kèm theo nếu có quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 1900.6169 hoặc gửi về hòm thư tư vấn của chúng tôi để được hướng dẫn.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo