Nguyễn Nhàn

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là gì? Hình phạt thế nào?

Hiện nay, tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội với tính chất và thủ đoạn vô cùng phức tạp. Song hiện nay, nhiều độc giả chưa phân biệt và xác định được thế nào là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội đặc biệt nghiêm trọng là loại tội có hành vi nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mức hình phạt cao nhất cho loại tội phạm này là tử hình. Chính vì vậy, Luật Minh Gia sẽ cung cấp tới bạn đọc nội dung tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

1. Khái quát về tội phạm

Tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự rất đa dạng, phức tạp, xâm phạm đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Phân loại tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức độ nguy hiểm, quy định hình phạt và áp dụng hình phạt đối với hành vi phạm tội.

Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến những lĩnh vực của trật tự xã hội chủ nghĩa theo quy định của Bộ luật hình sự.”

Như vậy, có thể hiểu tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra bởi một cá nhân hoặc tổ chức nào đó, hành vi này xâm phạm đến sự tồn tại, sự phát triển vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm đến nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm đến chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh đối nội, đối ngoại và xâm phạm đến an ninh chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là gì?

Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là căn cứ phân chia tội phạm thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc phân loại này có vai trò rất quan trọng trong việc quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng các chế định tạm giam, tạm giữ...

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như sau:

"Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình."

Đây là loại tội phạm với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao nhất do đó, chế tài đối với loại tội phạm này cũng nặng nhất với việc Nhà nước có thể tước đi quyền được sống của người phạm tội bị kết án bằng bản án có hiệu lực của Tòa án.

3. Quy định hình phạt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Để xác định tội phạm thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng cần dựa vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Người phạm tội thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng phải chịu chế tài hình sự, cụ thể mức hình phạt đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đây được xem là hình phạt cao nhất đối với hành vi phạm tội của người thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

4. Một số tội phạm là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

- Tội phản bội tổ quốc được quy định tại khoản 1 Điều 108 Bộ luật hình sự như sau: "1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình."

- Tội mua bán người dưới 16 tuổi được quy định tại khoản 3 Điều 151 Bộ luật hình sự như sau:

"3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 06 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm."

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự như sau:

 "4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp."

Ngoài những tội phạm nêu trên, Bộ luật hình sự còn rất nhiều loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác xâm hại đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Cụ thể một số tội như tội gián điệp Điều 110; tội giết người Điều 123; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả Điều 207; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy Điều 250;...

Trên đây là nội dung về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà Luật Minh Gia thông tin tới bạn đọc. Qua bài viết, có thể thấy rằng sự phân hóa tội phạm là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng trong luật hình sự và trong các ngành luật khác có liên quan. Đây cũng chính là căn cứ pháp lý giúp người đọc hiểu rõ về loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169