Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn
I. Cơ sở pháp lý
Căn cứ tại Điều 214 Bộ luật hình sự có quy định về tội danh này như sau:
"1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
II. Các yêu tố cấu thành tội phạm
- Chủ thể: chỉ những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường thủy mới là chủ thể của tội phạm này.
- Khách thể: là trật tự an toàn giao thông đường thủy.
- Mặt khách quan:
+ Hành vi khách quan
Người phạm tội này chỉ thực hiện một hành vi khách quan đó là “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn”.
Hành vi cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy bằng nhiều hình thức khác nhau như: Bằng miệng, bằng văn bản hoặc bằng những hình thức khác cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn.
+ Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Là dấu hiệu bắt buộc, nếu người phạm tội chưa bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Ngược lại, nếu người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
- Mặt chủ quan: Lỗi vô ý.
III. Hình phạt
- Phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm khi phạm tội tại Khoản 1 Điều này.
- Phạt tù từ ba năm đến mười năm khi phạm tội tại Khoản 2 Điều này.
- Phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm khi phạm tội tại Khoản 3 Điều này.
Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trân trọng!
Cv Nguyễn Ngân - Công ty Luật Minh Gia
LIÊN HỆ LUẬT MINH GIA