Tòa đã xử giao con cho mẹ nuôi, bố muốn giành lại được không?

Chào luật sư, Tôi muốn hỏi một vấn đề liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể là vấn đề giành quyền nuôi con như sau: Vợ chồng tôi đã ra tòa ly hôn, chúng tôi có một con chung. Hiện nay, cháu được 23 tháng tuổi và đã được tòa xử là theo mẹ nuôi (vì con dưới 36 tháng tuổi theo nguyên tắc con theo mẹ).

Trong thời gian vừa qua, cô ta đưa cháu về nhà mẹ đẻ ở cùng ông bà ngoại và tiếp tục đi làm.( công ty cô ta làm cách nhà 30km và cô ta phải đi làm ca ngày, chiều và đêm) Tôi sang thăm con thì cả gia đình nhà ngoại không có ai có ý ngăn cản hay gây trở ngại gì. Và hàng tháng tôi có chu cấp đầy đủ cho con mình theo đúng yêu cầu của cô ta.

Hơn 2 tuần nay, con tôi ốm đau nhưng cô ta không một lời thông báo. Chuyện trẻ nhỏ đau ốm cũng là điều bình thường, tôi cũng không có ý kiến gì về chuyện đó. Nhưng thú thật, sang nhìn con ốm con đau, gầy rộc ra, bế cháu trên tay thấy con nhẹ như bấc... là một người bố tôi rất xót xa. Mẹ cháu đi làm, ông bà ngoại ra đồng làm việc nhà nông thì đành đem cháu đi gửi nhà trẻ, tôi xin đón về để tôi và gia đình tôi chăm sóc cháu ít hôm nhưng phía gia đình cô ta cũng như cô ta không đồng ý.

Theo tôi tìm hiểu từ bài hỏi đáp về chế độ lao động khi ốm đau và con ốm đau của công ty ta, con tôi ốm đau thì mẹ cháu có quyền xin nghỉ để chăm sóc con mà vẫn được chi trả 75% lương cho những ngày nghỉ này.

Tôi kính mong các vị luật sư trong quý công ty tư vấn giúp cho tôi: nếu như cô ta không thèm nghỉ để chăm sóc con tôi khi cháu ốm mà vẫn đi làm, bỏ cháu ở nhà cho ông bà ngoại chăm. (Giả dụ là cô ta có nhân tình nên không muốn ở nhà chăm con). Thì tôi nên làm cách nào để có thể xin đổi quyền nuôi con mình??? Để tôi được đón cháu về tôi chăm sóc cháu ạ! Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

Theo thông tin bạn cũng cấp thì vợ cũ của bạn đã giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, do công việc nên mẹ của cháu không có thời gian để chăm sóc tốt cho cháu. Và giờ bạn muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con hay nói cách khác là giành quyền nuôi con về phía mình. Trường hợp của bạn pháp luật quy định như sau: 

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn - Luật hôn nhân và gia đình 2014, quy định: 

"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ."

Như vậy, nếu bạn có căn cứ cho rằng mẹ của cháu không còn đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con (dựa trên một số yếu tố như: điều kiện về kinh tế; thời gian chăm sóc con; tư cách đạo đức....), đồng thời xuất phát từ lời ích chính đáng của con là đang cần người chăm sóc. Do vậy, bạn có thể gửi đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đến Tòa án nhân dân đã thụ lý giải quyết vụ việc ly hôn của bạn để Tòa án xem xét giải quyết. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169