Cao Thị Hiền

Tòa án nhân dân tối cao là gì? Chức năng nhiệm vụ của TAND tối cao

Bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung quyền lực có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thực hiện quyền tư pháp mà chủ yếu là quyền xét xử là một trong những chức năng rất quan trọng của Nhà nước Việt Nam và được giao cho Toà án nhân dân. Do vậy, Toà án nhân dân, trong đó có Tòa án nhân dân tối cao, mang vai trò rất quan trọng trong bộ máy nhà nước.

1. Vai trò, vị trí của tòa án nhân dân

Theo quy định tại Hiến pháp 2013 của nước CHXHCNVN và theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, Tòa án nhân dân được xác định là cơ quan đại diện trung tâm nhất và đầy đủ nhất của quyền tư pháp. Chức năng cơ bản của tòa án là bảo vệ công lý và bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức khi bị xâm hại. Đó cũng chính là lý do Tòa án luôn được quan niệm là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước nhân danh công lý, là hiện thân, biểu tượng của lẽ phải, sự công bằng, bình đẳng của một nhà nước, một chế độ.

2. Khái niệm, cơ cấu tổ chức của tòa án nhân dân tối cao

Từ sau khi Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực, cơ cấu tổ chức hệ thống Tòa án Việt Nam đã có nhiều thay đổi cũng như về quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp Tòa án. Hiện tại có bốn cấp tòa án trong hệ thống Tòa án nhân dân bao gồm Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Theo quy định tại Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Tòa án nhân dân tối cao bao gồm các bộ phận: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bộ máy giúp việc; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Trong cơ cấu tổ chức của TANDTC, Hội đồng thẩm phán TANDTC (HĐTP) là cơ quan được trao quyền xét xử, ban hành các nghị quyết hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật. Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động. 

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao

Với vai trò là cơ quan xét xử cao nhất nước ta, Tòa án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ hết sức quan trọng.  Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao đưa ra quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao tại, cụ thể như sau: 

- Giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

- Tổng kết thực tiễn xét xử các Tòa án khác, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Đóng vai trò là cơ quan cao nhất trong hệ thống Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các Tòa án cấp dưới thực hiện thống nhất các quy định pháp luật, đặc biệt là những hướng dẫn trong những trường hợp mà pháp luật chưa có quy định, quy định chưa rõ ràng hoặc pháp luật có những quy định chồng chéo,… Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động của các Tòa án cấp dưới

- Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân. Những chức vụ này đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao cũng như nhiều kỹ năng thành thạo, do vậy phải được rèn luyện, trau dồi trong quá trình công tác, thông qua các hoạt động đào tạo thường xuyên.

- Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các Luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao có quản lý các tòa án cấp dưới thông qua việc Trình Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc thành lập, giải thể Tòa án; ví dụ như việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ quốc hội về việc thành lập các tòa chuyên trách;… hay TANDTC quản lý về cấu tổ chức, nhân sự của các tòa án cấp dưới;…

- Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đối với bất kỳ cơ quan nào, trong đó có Tòa án nhân dân tối cao, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao phải tuân theo quy định về xét xử. Theo Hiến pháp Việt Nam và theo các quy định về xét xử, các cuộc xét xử của Tòa án Nhân dân Tối cao công khai, độc lập, không lệ thuộc vào chính quyền, và chỉ tuân theo pháp luật. Cách thức xét xử tập thể, có hội thẩm Nhân dân tham gia, quyết định theo đa số. Tòa án Nhân dân Tối cao phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật; người tham gia tố tụng có quyền tự bào chữa và mời luật sư bào chữa, có quyền được dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo