Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự trong BLHS Việt Nam

Những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS là những tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của loại tội giảm đi hoặc tăng lên so với trường hợp bình thường và do đó, là căn cứ để giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS đồng thời cũng là một trong 4 căn cứ để tòa án cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

tinh-tiet-giam-nhe-va-tang-nang-tnhs-jpg-21052014114949-U1.jpg

Tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự trong BLHS Việt Nam

Số lượng và nội dung các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS phải được quy định trong BLHS, nó có tính ổn định khá cao. Qua 15 năm thi hành BLHS năm 1985 với 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng số lượng và nội dung các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS vẫn không có sự thay đổi. Đến BLHS năm 1999, phần lớn các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS trong BLHS năm 1985 vẫn được kế thừa song có một số tình tiết mới được bổ sung, sửa đổi một cách khá hoàn chỉnh. Có thể tóm tắt những điểm mới sửa đổi, bổ sung đó như sau:

1. Tên gọi và điều luật quy định: Tên cũ là “Các tình tiết giảm nhẹ” quy định tại Điều 38 và “Các tình tiết tăng nặng” quy định tại Điều 39 BLHS năm 1985. Tên mới là “Các tình tiết giảm nhẹ TNHS” quy định tại Điều 46 và “Các tình tiết tăng nặng TNHS” quy định tại Điều 48 BLHS năm 1999.

Việc bổ sung cụm từ “TNHS” vào 2 chế định nói trên là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết nhằm làm rõ nội dung của từng chế định và làm chính xác hóa 2 thuật ngữ pháp lí này.

2. Đã tách khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985 thành 1 điều độc lập của BLHS năm 1999. Đó là Điều 47: Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật. So với khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985 thì Điều 47 BLHS năm 1999 đã có sự sửa đổi, bổ sung rất chi tiết. Cụ thể:

- Về điều kiện áp dụng: Khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985 quy định rất chung chung là “khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ”; còn Điều 47 BLHS năm 1999 đã xác định rõ “khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46…”.

- Về mức hình phạt: Khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985 quy định tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật quy định… nhưng không xác định rõ khung hình phạt nào của điều luật. Còn Điều 47 BLHS năm 1999 đã thu hẹp phạm vi áp dụng như sau: Hình phạt mà tòa án có thể quyết định trong trường hợp này chỉ có thể là hình phạt dưới mức thấp nhất của khung mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật thì tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Với quy định chặt chẽ như vậy đảm bảo cho việc áp dụng hình phạt được thống nhất, chính xác, tránh được sự tùy tiện khi áp dụng, góp phần thực hiện nguyên tắc phân hóa TNHS ngay trong luật.

 3. BLHS năm 1999 đã bổ sung khoản 3 Điều 46 nhằm khắc phục thiếu sót của BLHS năm 1985. Trong đó quy định: “Các tình tiết giảm nhẹ đ được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được sử dụng là các tình tiết giảm nhẹ TNHS khi quyết định hình phạt”. Quy định này đã khắc phục được tình trạng nhận thức sai và áp dụng các hình phạt nhẹ hơn mức cần thiết đối với bị cáo.

4. Số lượng, nội dung các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS cũng được sửa đổi, bổ sung.

4.1. Về các tình tiết giảm nhẹ TNHS

Khoản 1 Điều 38 BLHS năm 1985 có 8 điểm tương ứng với 8 nhóm tình tiết giảm nhẹ TNHS. Còn khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 có tới 18 điểm tương ứng với 18 nhóm tình tiết giảm nhẹ TNHS. Việc tăng số điểm quy định nhóm các tình tiết giảm nhẹ do các lí do chủ yếu sau đây:

- Có nhiều điểm của Bộ luật cũ (xem điểm a, b, d, e, g, h khoản 1 Điều 38) được tách ra thành hai hoặc ba điểm quy định các nhóm tình tiết giảm nhẹ của khoản 1 Điều 46 Bộ luật mới;

- Có hai tình tiết hoàn toàn mới được quy định thành các điểm độc lập là người phạm tội đã lập công chuộc tội (điểm r) và người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (điểm s).

Ngoài ra, có một tình tiết mới được bổ sung vào điểm b Điều 46 BLHS năm 1999 là người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả.

Việc bổ sung 3 tình tiết mới này là hoàn toàn đúng đắn vì nó có tác dụng khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, chủ động khắc phục hậu quả và thể hiện thái độ của Nhà nước ta tôn trọng quá khứ của người phạm tội đồng thời cũng gián tiếp khuyến khích mọi người tích cực lập thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác.

BLHS năm 1999 cũng đã loại bỏ tình tiết giảm nhẹ TNHS là phạm tội do trình độ nghiệp vụ non kém. Việc loại bỏ tình tiết này, theo chúng tôi là hoàn toàn cần thiết vì ba lí do sau đây:

- Một là, Nhà nước ta không khuyến khích người kém năng lực chuyên môn tham gia hoạt động quản lí, đặc biệt là quản lí tài sản;

- Hai là, việc xác định trình độ nghiệp vụ như thế nào là non kém thường rất phức tạp;

- Ba là, khắc phục được tình trạng nhiều tòa án lạm dụng tình tiết này để giảm nhẹ TNHS và hình phạt cho người phạm tội một cách không đúng đắn, chủ yếu do động cơ tư lợi.

4.2. Các tình tiết tăng nặng TNHS

Khoản 1 Điều 39 BLHS năm 1985 có 9 điểm tương ứng với 9 nhóm tình tiết tăng nặng TNHS. Còn khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 có tới 14 điểm tương ứng với 14 nhóm tình tiết tăng nặng TNHS.

Việc tăng số lượng điểm quy định các tình tiết tăng nặng TNHS do các lí do chủ yếu sau đây:

- Do có một số điểm quy định các tình tiết trong Bộ luật cũ (xem các điểm a, b, g khoản 1 Điều 39) được tách ra thành 2 hoặc 3 điểm của Bộ luật mới hoặc được sắp xếp lại cho có cùng tính chất.

- Có 8 tình tiết mới tăng nặng TNHS được quy định, đó là:

+ Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

+ Phạm tội có tính chất côn đồ;

+ Xâm phạm tài sản nhà nước;

+ Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

+  Lợi  dụng  tình trạng khẩn cấp, dịch bệnh để phạm tội;

+ Dùng phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người.

Trong số đó, có 3 tình tiết được quy định thành các điểm độc lập của khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (điểm b); phạm tội có tính chất côn đồ (điểm d); xâm phạm tài sản nhà nước (điểm i).

Việc bổ sung 8 tình tiết mới nói trên là rất cần thiết vì nó đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm của Nhà nước ta trong tình hình hiện nay, khắc phục được các hạn chế của BLHS năm 1985. Việc bổ sung những tình tiết mới này có tác dụng răn đe, phòng ngừa cao; mặt khác nó cũng là căn cứ để tòa án áp dụng mức hình phạt cao hơn đối với người phạm tội, thể hiện rõ mục đích trừng trị của luật hình sự nói chung và của hình phạt nói riêng.

Trước hết, phải kể đến trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có tính chất côn đồ hoặc dùng phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người. Thời gian qua, có rất nhiều đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, côn đồ hoặc dùng phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người nhưng đều ở các tội mà tình tiết này không phải là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Do đó, việc tòa án muốn tăng hình phạt đối với bị cáo không có căn cứ vì BLHS chưa quy định những tình tiết này là tình tiết tăng nặng TNHS.

Bởi vậy, với việc bổ sung này thì từ nay các tòa án hoàn toàn có đủ căn cứ để nâng hình phạt đối với các bị cáo phạm tội nếu có các tình tiết tăng nặng TNHS nói trên.

Thứ hai, có hai tình tiết tăng nặng TNHS được bổ sung là do có sự thay đổi trong phân loại tội phạm của BLHS năm 1999 (phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) và do sự sáp nhập hai chương của BLHS cũ (chương IV – Các tội xâm phạm sở hữu XHCN, chương VI – Các tội xâm phạm sở hữu của công dân) thành chương XIV của BLHS năm 1999 – Các tội xâm phạm sở hữu.

Thật vậy, các tội phạm trong BLHS năm 1985 được phân làm hai loại: ít nghiêm trọng và nghiêm trọng ( khoản 2 Điều 8 ) nhưng trong BLHS năm 1999, các tội phạm được phân thành 4 loại: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 8). Do đó, ngoài trường hợp nghiêm trọng, BLHS năm 1999 coi trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng TNHS là việc làm đương nhiên. Tương tự như vậy, việc sáp nhập hai chương của Bộ luật cũ thành một chương của Bộ luật mới nhằm làm cho kết cấu của Bộ luật mới gọn nhẹ hơn đồng thời thể hiện sự bình đẳng của các hình thức sở hữu trước pháp luật. Nhưng do tính chất đặc biệt của hình thức sở hữu nhà nước nên nhà làm luật đã bổ sung tình tiết xâm phạm tài sản của Nhà nước thành tình tiết tăng nặng TNHS nhằm góp phần bảo vệ có hiệu quả tài sản của Nhà nước.

Mặt khác, BLHS mới còn loại bỏ tình tiết tăng nặng TNHS được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 39 BLHS cũ là phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt vì trùng với tình tiết phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm (tại điểm g Điều 48); đồng thời cũng xóa bỏ bổ ngữ xác định thời gian “sau khi phạm tội” trong tình tiết tăng nặng TNHS “sau khi phạm tội, đã có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm” để làm cho tình tiết này bao quát cả các hành vi trốn tránh và che giấu tội phạm trước, trong và sau khi phạm tội. Bộ luật hình sự mới còn sửa điểm c khoản 1 Điều 39 BLHS năm 1985 “lợi dụng chức vụ cao để phạm tội” thành điểm c khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 “lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội” nhằm bao quát toàn bộ các hành vi phạm tội do lợi dụng chức vụ, quyền hạn, khắc phục hạn chế của BLHS cũ./.

 Bùi Kiến Quốc- Theo : Tạp chí Luật học số 06 (2000)

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169