Trần Phương Hà

Tiêu thụ tài sản phạm tội bị xử lý thế nào?

Kính chào Luật Minh Gia! Cho tôi hỏi về hành vi tiêu thụ tài sản phạm tội thì bị xử lý thế nào, cụ thể: Mẹ tôi sinh năm 1962 và dì tôi sinh năm 1968 đều là nông dân, trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải xuống Hà Nội làm nghề ve chai kiếm tiền. Trong khi đi ve chai thì có một thanh niên xin số điện thoại và hẹn khi nào có sắt thì sẽ gọi và bán cho.

Vào khoảng 2h sáng ngày 23/6/2016 khi mẹ và dì tôi đang ngủ thì có cuộc gọi của a thanh niên này. Mẹ và dì tôi đã đến công trường nơi anh ta làm việc trước đây để mua sắt vụn. Sau đó mẹ và dì tôi thấy rằng sắt nặng không chở bằng xe đạp được nên gọi cho 1 anh lái ô tô 500k0g đến. Khi đang chuyển sắt lên xe thì có người báo công an nên mẹ và dì tôi và lái xe tải bị tạm giữ. Anh thanh niên gọi điện cho mẹ tôi trước đây là bảo vệ cho cty này đã cấu kết với 1 anh bảo vệ khác đang lám việc ở cty để thực hiện vụ trộm cắp này.

Sau khi bị phát hiện thì không bắt được người thanh niên đã gọi điện cho mẹ tôi do anh ta đã chạy trốn. Tài sản trên ô tô được định giá là hơn 8 triệu. Tôi được biết trên 2 triệu là khởi tố. Vậy tôi muốn hỏi luật sư nhờ tư vấn giúp là mẹ và dì tôi sẽ bị khép vào tội gì? Nếu ra tòa thì có được hưởng án treo hay không? Xin chân thành cám ơn!.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn Công ty xin được tư vấn như sau:

Như bạn trình bày, thời điểm vi phạm là 23/6/2016 do vậy, áp dụng:

Điêu 138 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội trộm cắp tài sản:

"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 20 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về đồng phạm:

"1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm".

Điều 250 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:

"1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Ngoài ra, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC có quy định chi tiết:

“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”

Với những thông tin bạn trình bày thì hành vi của mẹ và dì có thể bị truy cứu TNHS đối với tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm theo quy định tại Điều 20, Điều 138 BLHS; hoặc tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 BLHS nếu có đủ chứng cứ để buộc tội.

Xét về hành vi trộm cắp tài sản. Nếu có đủ cơ sở để chứng minh mẹ, dì và các đối tượng khác cố ý cùng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lén lút (có chứng cứ mẹ và di biết mục đích, ý đồ của những đối tượng trên, cố ý cùng những đối tượng trên thực hiện nhằm thu lợi bất chính) thì mẹ và dì sẽ bị truy cứu TNHS về tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm.

Xét về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu có đủ cơ sở để chứng minh mẹ và dì mặc dù không hứa hẹn trước nhưng biết rõ tài sản trên do phạm tội mà có (căn cứ chứng minh được nêu tại Thông tư số 09/2011/TTLT - BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC).

Vậy, trường hợp ngược lại, nếu không đủ cơ sở để định tội danh thì mẹ và dì sẽ không bị truy cứu TNHS. Đối với trường hợp này, mẹ và dì có quyền và nghĩa vụ khai đúng sự thật của vụ việc, có quyền chứng minh mình vô tội và khiếu nại những quyết định, hành vi của cơ quan điều tra nếu có cơ sở chứng minh hành vi trên xâm phạm trực tiếp tới quyền và lợi ích,...

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo