Thường xuyên bị chồng bạo hành, ly hôn chia tài sản thế nào?
E đã dùng đủ cách để nói chuyện phân tích, có lúc phải nặng lời , yêu cầu hai người ly hôn nhưng không ai chịu nghe ai. Kết cuộc là một gia đình 4 người ai cũng tổn thương và chịu đựng. Cái vòng luẩn quẩn đánh chửi nhau vài ngày rồi lại vẫn sống cùng nhau cứ lặp đi lặp lại. Mỗi lần em nói tố cáo hay ly dị thì mẹ em chỉ im lặng. Quá chán nản, em không muốn sống ở nhà và sang nước ngoài làm việc. Nhưng có lẽ hiện tại mức độ đã quá sức chịu đựng của mẹ em. Chờ bọn em khôn lớn từng đấy năm, hiện tại bà không muốn sống với người đàn ông ấy nữa. Nói qua một chút để anh chị hiểu về hoàn cảnh bạo hành gia đình mà bố mẹ em tự gây ra cho nhau và cho cả hai đứa con. Ly dị là điều tất nhiên nhưng lại vướng vào vấn đề muôn thuở: chia tài sản. Chính vì vậy mà e viết thư này mong nhận được sự tư vấn pháp luật của anh chị về những vấn đề sau:1. Em muốn làm đơn tố cáo bố mình về việc xúc phạm danh dự, gây thương tích cho mẹ em và chị em trong thời gian e không ở nhà. Vấn đề là, e chỉ chụp lại được những vết bầm trên người mẹ. E không có ghi âm về việc ông ấy xúc phạm mẹ, chị và ông bà ngoại em. Nhưng tìm hiểu qua thì hẳn ông ý chỉ bị phạt tiền thôi chăng? Em muốn hỏi liệu luật pháp liên quan của Việt Nam có điều khoản nào quy định về việc xin cách ly người đàn ông đó khỏi mẹ con em không? 2. Mẹ em vẫn canh cánh về việc chia tài sản mặc dù e và chị em đã bảo không cần. Vì căn nhà này trước được cấp theo tên mẹ, và lúc xây nhà tầng, mẹ cũng đứng tên vay và vẫn đang trả nợ. Chính vì thế, chia nhà lúc này ắt hẳn sẽ rất bất lợi cho mẹ em. E muốn hỏi, liệu có cách nào giảm bớt được phần tổn thất khi chia nhà lúc ly dị không ạ?Mong được sự tư vấn của anh chị! Em cám ơn!
Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về hành vi bạo lực gia đình
Căn cứ tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình như sau:
“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.”
Theo như thông tin anh/chị cho biết, người bố thường xuyên đánh đập, gây thương tích đồng thời có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mẹ. Đây được coi là hành vi bạo lực gia đình.
Tại khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi bố anh/chị có những hành vi đánh đập gây thương tích, đồng thời xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì trực tiếp người mẹ hay những thành viên khác trong gia đình có thể gửi đơn tố giác tới UBND xã/phường hoặc cơ quan công an cấp quận/huyện để được giải quyết. Đồng thời, khi nộp đơn kèm theo những bằng chứng chứng minh hành vi của người chồng. Trường hợp cần phải cách ly người chồng thì gia đình có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bố trí nơi tạm lánh và được giữ bí mật về nơi tạm lánh.
Với trường hợp của gia đình anh/chị, tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà người chồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
Đối với hành vi đánh đập, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình."
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.”
Thứ hai, về chia tài sản chung khi ly hôn
Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Căn cứ vào thông tin anh/chị cho biết, hiện tại tài sản của gia đình là căn nhà đứng tên người mẹ, mẹ anh/chị là người trực tiếp đứng ra xây dựng và vẫn đang trả nợ. Do anh/chị không nêu rõ nguồn gốc của tài sản này được hình thành như thế nào? Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trong thời kì hôn nhân của bố mẹ anh/chị và căn nhà cũng được hình thành trong thời kì hôn nhân thì đây được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:
“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”.
Như vậy, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, đó là: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung…
Do đó, với trường hợp của bố mẹ anh/chị, nếu có tranh chấp về tài sản, khi có yêu cầu Tòa án sẽ xem xét và đưa ra quyết định phân chia. Để đảm bảo phần tài sản theo chiều hướng có lợi cho người mẹ thì người mẹ phải chứng minh được công sức đóng góp của mình trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất