Thuê người theo dõi người khác có phạm tội không?
1. Quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân như sau:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình. Trường hợp cá nhân đi theo dõi người khác, sau đó thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân rồi công khai với mọi người là vi phạm pháp luật, trừ khi phải được đồng ý.
Bên cạnh đó, điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Theo dõi người khác có bị pháp luật cấm không?
Theo quyết định 27/2018/QĐ-TTg quyết định ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam quy định, dịch vụ điều tra và thám tử nằm trong nhóm các hoạt động điều tra bảo vệ an toàn. Do đó, hoạt động thám tử, điều tra, theo được xem là ngành nghề hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi hành nghề thám tử không được ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật cá nhân, gia đình của người đó.
Nếu người không hành nghề thám tử mà có hành vi theo dõi người khác cũng phải đảm bảo nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật của cá nhân gia đình người đó. Nếu không tuân thủ quy tắc này thì được xem là phạm pháp.
3. Thuê người theo dõi người khác có phạm tội không?
Hành vi theo dõi người khác tùy theo mức độ vi phạm nếu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hai tội danh sau: tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác theo Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật hình sư 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Đối với hành vi theo dõi, điều tra người khác mà thông qua đồ dùng cá nhân như điện thoại, thư tín, văn bản khác…có thể bị truy cứu TNHS nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Hình phạt cao nhất mà người phạm tội có thể phải chịu là 03 năm tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5- 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01- 05 năm.
Đối với hành vi theo dõi thông qua việc xâm nhập nơi ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Hình phạt cao nhất mà người phạm tội có thể phải chịu tối đa lến 05 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội đồng thời còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 đến 05 năm.
Hiện nay, việc thuê người theo dõi diễn ra khá phổ biến, người thuê và người theo dõi cần nắm vững các quy định của pháp luật để tránh xâm phạm đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân của người khác.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất