LS Vũ Thảo

Thừa kế đất đai theo pháp luật phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế còn lại

Theo quy định của pháp luật dân sự, có hai hình thức thừa đế đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Mỗi hình thức thừa kế lại có những điều kiện và thủ tục riêng mà người thừa kế cần nắm được đề tránh các tranh chấp hoặc các rủi ro liên quan đến hưởng di sản.

1. Luật sư tư vấn vấn đề phân chia di sản thừa kế

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến hưởng di sản thừa kế theo di chúc thì vấn đề hưởng di sản thừa kế theo pháp luật cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bởi lẽ, trên thực tế các tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế khi người chết không để lại di chúc là một trong những tranh chấp phổ biến và gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của các thành viên trong gia đình.

Phần lớn nguyên nhân xảy ra các tranh chấp liên quan đến thừa kế khi không có di chúc là do những người thừa kế không nắm được các quy định của pháp luật. Từ đó, có thể thấy việc nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến phân chia di sản thừa kế sẽ góp phần giúp giảm bớt được các tranh chấp liên quan đến thừa kế.

Do vậy, nếu bạn đang gặp các vướng mắc liên quan đến thừa kế hoặc muốn tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này bạn hãy liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6169 để được đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật giàu kinh nghiệm của chúng tôi tư vấn cụ thể về các vấn đề này.

2. Thừa kế đất đai theo pháp luật phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế còn lại

Câu hỏi: Chào luật sư. Tôi có việc này mong nhờ luật sư tư vấn ạ. Hiện nay cả gia đình tôi gồm: Bố mẹ tôi, 4 anh em nhà tôi và cô ruột tôi (em gái của bố) đang ở trên mảnh đất do ông nội tôi  đứng tên sở hữu. Ông bà nội tôi có 3 người con. (2 gái, 1 trai). Bác gái lớn lấy chồng và thoát ly ngoài Hà Nội. Hiện giờ, 2 bác ấy (bác gái và chồng bác ấy) đã mất. Bác ấy có 4 người con hiện đã lập gia đình riêng ở Hà Nội. Bố tôi là con trai duy nhất (thứ 2 trong nhà của ông bà). Bố tôi sinh được 4 anh em tôi.Cô ruột tôi là con út trong nhà ông bà nội tôi. Cô ấy ly hôn nên ngày còn sống, ông bà nội tôi giao cho cô ấy xây nhà trên 1 phần đất. Ông bà nội tôi đã mất và không để lại di chúc. Nay, bố tôi muốn làm sổ đỏ để sau này chia cho mấy anh em tôi. (Bố mẹ tôi tính phần đất hiện thời còn lại, đã trừ đi phần đất của cô tôi đã xây nhà). Bên phường nói rằng nếu Bố tôi muốn là chủ sở hữu của khu đất thì phải có giấy cam kết từ bỏ quyền thừa kế của 4 anh chị (là các con của bác gái ruột tôi). Tôi muốn hỏi như vậy có đúng không? Và nếu có tranh chấp thì khoảng  đất này sẽ được chia cho những người con, cháu của ông bà nội tôi như thế nào? Mong luật sư giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn. Rất mong hồi âm ạ.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Minh Gia. Về nội dung này, chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

…”

Theo quy định trên thì trường hợp của gia đình bạn, phần di sản mà ông bà nội bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, tại Điều 651 Bộ luật dân sự: 2015 quy định:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy, mảnh đất đó phải chia đều cho 3 người con của ông bà. Tuy nhiên, bác gái cả (đã mất) lại có 4 người con. Nhưng thông tin cung cấp không đề cập việc bác cả chết trước hay chết sau ông bà. Nên chúng tôi tư vấn 02 trường hợp chung như sau:

- Trường hợp 1: Bác cả chết trước hoặc cùng thời điểm ông bà chết

Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Theo quy định trên, nếu bác cả chết trước ông bà thì những người con của bác cả sẽ được hưởng thừa kế thế vị 1/3 phần di sản thừa kế của ông bà.

- Trường hợp 2: Bác cả chết sau ông bà

Điều 613 và 614 BLDS 2015 quy định:

“Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 614. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”

Theo quy định trên thì tại thời điểm ông bà chết bác cả bạn vẫn còn sống, do vậy, bác cả sẽ có quyền hưởng thừa kế của ông bà (sẽ được hưởng 1 suất thừa kế theo pháp luật). Và suất thừa kế đó sẽ lại là di sản thừa kế của bác cả khi bác chết. Và nếu bác cả chết không để lại di chúc thì suất thừa kế đó được chia thừa kế theo Điều 651 BLDS 2015.

Như vậy, bố bạn muốn được hưởng toàn bộ phần tài sản đó thì những người thừa kế còn lại sẽ phải từ chối nhận di sản thừa kế theo Điều 620 BLDS:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo