Trần Phương Hà

Thủ tục xác nhận cha cho con tại tòa án

Kính gửi văn phòng luật Minh Gia! Anh/ chị tư vấn giúp em trường hợp về yêu cầu xác nhận cha cho con với ạ, cụ thể: Em đã có gia đình, 1 chồng và 1 con trai. Cuốc sống gia đình không hạnh phúc. Năm 2013 em có quen 1 anh C. Chúng em qua lại với nhau. Anh ấy cũng biết em có gia đình rồi. Em cũng biết anh ấy có gia đình rồi. Nhưng hai người vẫn qua lại, vẫn quan tâm nhau.

Rồi em có bầu , được 3 tháng em mới biết. Em có bảo anh ấy là bỏ đi. Nhưng anh ấy không đồng ý bỏ. Năm 2015 em sinh con, là 1 bé gái. Khi em mang bầu, anh không quan tâm, khi em đi sanh thì đi 1 mình. Chồng em đi làm xa và không ở nhà. Em chưa bao giờ bắt anh trách nhiệm hay đòi tiền anh về nuôi con cả. Cho đến đợt vừa rồi, em khó khăn, 1 mình em lo cho hai con và em có nói với anh ấy. Nhưng anh ấy không  nói gì. Đỉnh điểm là đợt vừa qua, em cho con gái đi gửi trẻ tư và họ đã xâm phạm con gái em. Con bé nó còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau ấy. Con em được 15 tháng tuổi. Và em có nói chuyện đó với anh, nhưng anh làm ngơ, không nói gì. Em đã mang con đi xét nghiệm ADN, vì lúc trước anh không nhận con, còn nói với mọi người là không phải con anh ấy. Từ khi con bé bị xâm hại, em ở nhà trông con không đi làm được lên cuộc sống cũng rất khó khăn. Nên em muốn đưa đơn yêu cầu anh ấy phải có trách nhiệm với con, 1 mình em không ghánh vác hết được.

Vậy luật sư cho em hỏi: Nếu em đưa đơn yêu cầu anh có trách nhiệm với con thì anh ấy có bị ảnh hưởng gì về công việc, con đường thăng tiến không ạ?Nếu em đưa đơn kiện thì anh ấy sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và ảnh hưởng ra sao? Vì anh ta là công an, em là dân nghèo lên em không thể nào nói được anh ta. Em dẹp bỏ thể diện đẻ cho con em có cuộc sống đầy đủ. Và em sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, em là dân văn phòng bình thường không phải thuộc cơ quan nhà nước! Kính mong luật sư tư vấn giúp em trường hợp này!.

Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của chị Công ty xin được giải đáp như sau:

1. Quy định về xác định cha mẹ

Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ:

"1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định".

Theo quy định trên, con sinh ra trong thời kì hôn nhân được xác định là con chung của vợ chồng. Trường hợp cha, mẹ không nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định.

2. Về quyền nhận cha mẹ

Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền nhận cha, mẹ:

"1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

2. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha".

Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con

"1. Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này.

2. Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này:

a) Cha, mẹ, con, người giám hộ;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ".

Theo quy định trên, chị có quyền đại diện cho con yêu cầu TAND quận, huyện nơi bố của cháu cư trú, làm việc xác định cha cho con. Việc xác định cha cho con sẽ là căn cứ để yêu cầu người này cấp dưỡng hàng tháng cho con theo quy định của pháp luật.

Khi làm việc tại TAND thì chị phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình có cơ sở pháp lý (những tài liệu chứng minh mối quan hệ cha con như xác nhận của cơ sở y tế, nhưng hình ảnh, băng đĩa liên quan tới vụ việc,...).

Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định tại Chương XV tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình theo Bộ luật hình sự 1999: "3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó".

Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định: "1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: ...b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác".

Vậy, nếu có đủ cơ sở để chứng minh người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác (thể hiện thông qua việc hai bên đã có con chung hoặc các căn cứ theo Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC) thì cả hai sẽ bị xử phạt hành chính với mức 2.000.000 VNĐ.

Ngoài trách nhiệm hành chính, trường hợp Đảng viên vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng theo Điều 23 Quyết định 181/QĐ-TW: "3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoăc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng".

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo