Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thủ tục thay đổi họ cho con và khai sinh cho con sinh ở nước ngoài.

Chào Luât sư, cho tôi hỏi trường hợp của tôi như sau: Tôi và anh ấy cùng đi xuất khẩu lao động hàn quốc.Chúng tôi quen nhau và lấy nhau bên đó. (nhưng chưa được chứng nhận là vợ chồng ở việt nam). sau khi cưới chúng tôi vẫn ở bên hàn quốc làm ăn và có 3 người con

 

Con đầu mang họ mẹ nhập khẩu nhà mẹ. Con thứ 2 có giấy chứng sinh hàn quốc mang họ bố.nhưng chưa có giấy khai sinh ở việt nam .và vẫn chưa được nhập vào sổ hộ khẩu nào cả kể cả  vào nhà chồng tôi và vào nhà mẹ đẻ tôi.( chúng tôi chưa đăng ký kết hôn ở việt nam. mà chỉ mới cưới bên hàn quốc  thôi). Con thứ 3 tôi về việt nam đẻ và mang họ mẹ.nhập về khẩu nhà mẹ( ông bà ngoại).

Nên tôi muốn hỏi một số thắc mắc như sau, đó là:

Bây giờ 2 vợ chồng tôi về việt nam trước tiên là mới bắt đầu đăng ký kết hôn.sau đó tôi muốn thay đổi sang họ bố cho các con tôi. để nhập khẩu cho con tôi về bên nhà chồng tôi thì cần những thủ tục gì ạ.Và con thứ 2 nhà tôi muốn làm giấy khai sinh thì thủ tục như thế nào ạ

Kính mong ban luật sư giúp đỡ tôi ạ. Tôi xin cảm ơn

 

=> Luật sư tư vấn quy định pháp luật về thay đổi họ và khai sinh cho con, gọi: 1900.6169

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thủ tục thay đổi họ cho con

 

Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền thay đổi họ:

 

“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;”

 

Nếu hiện tại muốn làm thủ tục đổi từ họ thì tại Điều 28 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch như sau:

 

“1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.”

 

Đối với trường hợp của bạn thì bạn phải làm thủ tục nhận cha con sau đó mới có thể thay đổi họ cho con. Theo đó, nếu con dưới 18 tuổi thì bạn có thể đại diện cho con thực hiện việc thay đổi họ cho con, nếu con từ 18 tuổi trở lên thì con sẽ tự thực hiện thủ tục thay đổi, con từ 9 tuổi thì việc thay đồi họ phải có sự đồng ý của con. Thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ: con dưới 14 tuổi thì thực hiện thủ tục thay đổi hộ tịch tại Ủy ban nhân dân xã nơi người đăng ký khai sinh hoặc nơi cư trú của con, con từ đủ 14 tuồi trở lên thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Ủy ban nhân dân cấp Huyện. Bạn cần đem theo giấy khai sinh của con và các giấy tờ tùy thân của bạn cùng tờ khai thay đổi hộ tịch để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con.

 

Thứ hai, thủ tục làm giấy khai sinh cho con

 

Với con thứ ba sinh ra tại Việt Nam

 

Điều 16 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh:

 

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”

 

Bạn đến Ủy ban nhân dân xã nơi bạn hoặc cha của con đang cư trú để tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho con

 

Thành phần hồ sơ:

 

- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu)

 

- Nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

 

- Xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

 

Với con thứ hai sinh ra ở nước ngoài thì tại Điều 29 Nghị định 123/2015 quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam:

 

“1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh.

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có; 
c) Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.”

 

Bạn cần đem giấy chứng sinh kèm theo giấy tờ tùy thân của bạn và tờ khai đăng ký khai sinh để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp Huyện nơi cư trú của con.

 

Thứ ba, về việc nhập khẩu cho các con của chị về hộ khẩu nhà chồng:

 

Hồ sơ:

 

- 1 tờ Bản sao giấy khai sinh của trẻ (có dấu đỏ do UBND phường, xã cấp) và 1 bản photo.

 

- Giấy chứng nhận kết hôn của bố mẹ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn) hoặc Quyết định ly hôn và 1 bản photo.

 

- Sổ hộ khẩu gia đình (bản chính).   

 

 - Điền đầy đủ thông tin vào mẫu Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu  (mẫu này lấy tại Công an quận, huyện, thị xã, thành phố).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục thay đổi họ cho con và khai sinh cho con sinh ở nước ngoài.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

C.V Hoàng Ngàn. Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169