Hoàng Tuấn Anh

Thủ tục ly hôn với người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài

Luật sư tư vấn về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cần nộp giấy tờ gì và thầm quyền giải quyết Tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh.

Nội dung tư vấn: Luật sư cho em hỏi về thủ tục ly hôn với người Việt Nam hiện đang cư trú tại nước ngoài. Cụ thể là em cần nộp giấy tờ gì và nộp ở đâu được ko ạ? Tại vì em nộp ở huyện thì huyện kêu em làm cái giấy xác nhận địa chỉ chồng em bên nước ngoài rồi rút hồ sơ nộp cho tỉnh. Mà trước đó em nộp dưới tỉnh thì tỉnh lại chuyển về huyện. Nên luật sư có thể tư vấn giúp em về vấn đề này ko ạ? Vợ chồng e ly thân đã 3 năm nay. Em xin cảm ơn ạ!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Căn cứ Điều 35 và Điều 37 Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp.

Khoản 3 Điều 35 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thì: 

"3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này". 

Điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh:

"1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây: 

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này".

Như vậy, vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài) thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Thứ 2, xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngòai theo lãnh thổ

Điều 39 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

 …”.

Theo điểm c khoản 1 Điều 40 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu:

“1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;”

Do thông tin bạn cung cấp không xác định rõ bạn đơn phương ly hôn hay vợ chồng thuận tình ly hôn nên căn cứ theo các quy định trên có các trường hợp như sau:

- Nếu giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương, thì thẩm quyền giải quyết trong trường hợp một bên đương sự đang ở nước ngoài và một bên ở Việt Nam thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết. Nếu bị đơn không có nơi cư trú ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi nguyên đơn cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết.

- Trường hợp vợ chồng bạn thuận tình ly hôn, Tòa án nhân dân nơi cấp tỉnh nơi một trong các bên thuận tình ly hôn có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Thứ 3, hồ sơ ly hôn bao gồm:       

- Đơn ly hôn thuận tình/đơn yêu cầu

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính).

- Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng (bản sao có chứng thực).

- Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao có chứng thực).

- Giấy khai sinh của các con (nếu có) (bản sao có chứng thực).

- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giầy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169