Thủ tục lập di chúc và các quy định có liên quan
Xin hỏi thủ tục làm di chúc cho mẹ tôi như thế nào để được chuyển tên sổ đỏ sang cho tôi ? Có cần họp gia đình và lấy chữ kí các anh chị em k ? quy định thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được hồi âm.
=> Tư vấn thủ tục Thừa kế theo di chúc, gọi 19006169
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:
Căn cứ quy định Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của người lập di chúc:
“Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Theo thông tin bạn cung cấp, hai anh chị của bạn đều đã thành niên và có khả năng lao động, không thuộc các trường hợp được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015. Vì vậy, việc mẹ bạn lập di chúc thì không cần họp gia đình và lấy chữ kí các anh chị em.
Nếu như người đứng tên trong sổ đỏ hiện tại là mẹ bạn, thì mẹ bạn có thể lựa chọn lập di chức theo 1 trong 4 cách tại Điều 628 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 628. Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.”
Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Mẹ bạn phải tự tay viết và ký vào bản di chúc theo Điều 633, việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật dân sự 2015 về nội dung của di chúc bằng văn bản.
Thứ hai, lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Căn cứ Điều 634 Bộ luật dân sự 2015.
“Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.”
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những trường hợp: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. (Điều 632 Bộ luật dân sự 2015).
Thứ ba, lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, theo quy định tại Điều 636 thì thủ tục được thực hiện như sau:
“Điều 636. Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã
Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:
1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.
2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.”
Thứ tư, di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở theo quy định tại Điều 639 Bộ luật dân sự 2015:
Mẹ bạn cũng có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Theo đó, thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng theo quy trình lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tại Điều 636 Bộ luật dân sự 2015.
Về nội dung của bản di chúc Điều 631 quy định:
“Điều 631. Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.”.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Do đó, dù lựa chọn hình thức lập di chúc bằng văn bản nào trong 4 hình thức đó, thì nội dung của bản di chúc cũng cần phải đảm bảo các nội dung nêu trên theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục lập di chúc và các quy định có liên quan. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 19006169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
C.V. Lương Sen. Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất