Thủ tục khởi kiện vụ án Dân sự - Hôn nhân Gia đình
Thủ tục khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân gia đình bao gồm các yêu cầu về đơn khởi kiện, điều kiện khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ liên quan... cụ thể như sau:
Hồ sơ cần thiết
+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)
+ Các tài liệu liên quan đến vụ kiện ( giấy tờ nhà, đất, hợp đồng...)
+ Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có sao y) nếu là cá nhân;
+ Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có sao y) nếu là pháp nhân.
+ Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Lưu ý: Các tài liệu nêu trên là văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam . Do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc.
Án phí:
+ Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: Mức án phí là 300.000 đồng
+ Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch thì:
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: Mức án phí là 300.000 đồng;
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: Mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp;
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: Mức án phí là 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng;
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: Mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;
- Từ trên 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
+ Án phí dân sự bao gồm án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm, án phí dân sự phúc thẩm.
+ Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm đối với các vụ án dân sự không có giá ngạch là 50.000 đồng.
+ Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm đối với các vụ án dân sự có giá ngạch được quy định như sau:
+ Mức án phí dân sự phúc thẩm đối với tất cả các vụ án dân sự là 200.000 đồng.
+ Đối với vụ án hôn nhân và gia đình mà có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng, thì ngoài việc chịu án phí quy định tại mục 2, các đương sự còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch quy định tại mục 3 tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.
Nộp tiền tạm ứng án phí
+ Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong các vụ án dân sự không có giá ngạch hoặc có giá ngạch từ 4.000.000 đồng trở xuống phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm là 200.000 đồng, trong các vụ án dân sự có giá ngạch quy định tại các điểm b, c, d, đ, e mục 3 phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm là 50% của mức án phí sơ thẩm mà án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp, trừ trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí, miễn nộp án phí.
+ Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn kháng cáo theo mức quy định tại Điều 8 của Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997, trừ trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí, miễn nộp án phí.
+ Xem thêm pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH ngày 27/2/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí
Thời gian giải quyết
+ Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
+ Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
--------------------
Tham khảo tình huống luật sư tư vấn trực tuyến như sau:
Câu hỏi - Có thể khởi kiện khi bên cho vay tiền mức lãi suất vượt quá giới hạn của Bộ luật Dân sự?
Thưa luật sư. Tôi có vay của một tổ chức tín dụng số tiền 50.000.000 vnđ. Tôi phải trả góp 20 tháng, mỗi tháng là 1.400.000vnd tiền lãi suất và 2.500.000vnd tiền gốc. Tôi trả trong 20 tháng là 50 triệu tiền gốc và 28 triệu tiền lãi. Tổng cộng tôi phải trả cho tổ chức tín dụng là 78 triệu. Vậy cho tôi hỏi tổ chức tín dụng này có vi phạm pháp luật về việc cho vay nặng lãi hay không? Có bị xử lý theo luật hình sự, hay dân sự? Tôi có quyền khởi kiện hay không? Xin luật sư giúp đỡ cho tôi. Tôi trân trọng cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Căn cứ Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định Lãi suất:
"1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác..."
Điều 7 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng như sau:
"1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.
2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất."
Và Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng:
"2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao."
Như vậy, trường hợp bạn vay của tổ chức tín dụng thì lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận và không áp dụng mức lãi suất theo Bộ luật dân sự quy định, tuy nhiên phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng cùng các văn bản khác có liên quan. Như vậy, lãi suất mà bạn đã thỏa thuận và ghi trong hợp đồng vay với tổ chức tín dụng trên là mức lãi được áp dụng. Tổ chức tín dụng đó chỉ vi phạm về mức lãi suất cho vay khi mức lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 39/2016/NĐ-CP như vay để phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ….Trường hợp bạn muốn nộp đơn khởi kiện thì bạn phải có căn cứ chứng minh tổ chức tín dụng đó đang áp dụng mức lãi suất vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tại thời điểm bạn và tổ chức tín dụng giao kết hợp đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất