Thủ tục khởi kiện tranh chấp do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng thương mại
Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Về hậu quả của hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán: Điều 306 Luật thương mại năm 2005 quy định, trường hợp bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng chậm thanh toán thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp trong hợp đồng có điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm phải có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền phạt vi phạm theo thỏa thuận trong hợp đồng. Điều 292 Luật thương mại quy định, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng thực hiện các chế tài sau:
"1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
2. Phạt vi phạm.
3. Buộc bồi thường thiệt hại.
4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
6. Huỷ bỏ hợp đồng.
7. Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế."
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng; hoàn toàn do lỗi của bên bạn; xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm.
Về thủ tục khởi kiện: Trường hợp các bên không thỏa thuận được và dẫn đến tranh chấp thì có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân hoặc Trọng tài thương mại để được giải quyết. Nếu trong hợp đồng không có điều khoản trọng tài thì công ty bạn có thể thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án. Đơn khởi kiện có thể được nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết:
Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nơi bị đơn có trụ sở chính.
Trường hợp công ty bạn muốn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, theo quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự tòa án nhân dân thành phố trực thuộc trung ương chỉ thụ lý các tranh chấp kinh doanh thương mại về:
Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;
- Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;
- Đầu tư, tài chính, ngân hàng;
- Bảo hiểm;
- Thăm dò, khai thác.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà đương sự hoặc tài sản tranh chấp đang ở nước ngoài.
Nếu tranh chấp không thuộc các trường hợp trên thì Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã là tòa án có thẩm quyền thụ lý. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây:
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Khoản 1 Điều 171 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án thì Toà án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Tòa án sẽ thụ lý đơn khởi kiện khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất