Phương Thúy

Thủ tục khởi kiện bệnh viện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Trong quá trình tiếp cận với các vụ án dân sự, Luật Minh Gia nhận ra rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng, ít tốn kém mà giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên chỉ khi các bên có sự thiện chí. Trong tất cả các lĩnh vực từ tranh chấp đất đai, tranh chấp về thừa kế hoặc ngay cả khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chỉ sự thỏa thuận luôn là phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên hàng đầu.

Nhắc đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mặc dù Bộ luật dân sự 2015 và các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khá cụ thể nhưng việc áp dụng các quy định vào thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần, việc xác định được khoản bồi thường cho những thiệt hại này chỉ mang tính tương đối.

Nếu bạn đang gặp khó khăn về pháp luật, hãy liên hệ đến Luật Minh Gia để được hỗ trợ giải đáp. Bên cạnh đó, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống dưới đây để bạn tham khảo và đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Câu hỏi tư vấn: Xin hỏi luật sư Vào ngày 5/4 vợ tôi chuyển dạ và tôi đưa vợ đến viện sinh qua kiểm tra làm thủ tục thì trưởng khoa nhi bảo bình thường, vợ tôi vỡ nước ối sớm kiểm tra mở được 2 phân bác sĩ bảo bình thường cho đẻ thường và tiêm kích thích đẻ( gia đình vẫn đề nghi bác sĩ nếu khó quá xin cho đẻ mổ nhưng bác sĩ vẫn quyết định cho đẻ thường) - sau khi sinh em bé bệnh viện bảo bình thường cho về sau 3 ngày, nhưng có lý do một tay của bé không hoạt động và gia đình đưa bé đi kiểm tra và thấy tay trái của bé bị gãy xương đòn, thống báo cho bệnh viện thì đã chịu trách nhiệm do đỡ đẻ và sẽ hứa có trách nhiệm với cháu. Nhưng gia đình đưa bé đi viện điều trị các chi phí và sinh hoạt của gia đình hiện tại không thấy bệnh vên đả động thăm hỏi gì - Vậy cho tôi hỏi thủ tục và phương pháp khởi kiên sao:( có chụp X-Quang bé bị gãy xương đòn khi 20ngay tuổi, và đoạn ghi âm của gia đình và trưởng khoa về xin lỗi và chịu trách nhiệm) - như vậy đa đủ chứng cứ khởi kiện không và khả năng kiện được không. Chân thành cảm ơn! 

Tư vấn: Chào anh. Cảm ơn anh đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của anh chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Trách nhiệm pháp lý của bệnh viện

Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015  quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác

Hành vi của bệnh viện đã xâm phạm đến sức khỏe của con anh. Với quy định nêu trên thì bất luận là lỗi vô ý hay cố ý thì bệnh viện vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho con anh.

Theo quy định Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

"1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Theo quy định trên thì bệnh viện phải bồi thường cho con anh và gia đình anh nhưng chi phí sau:

Tất cả các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của con anh

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc con anh trong thời gian điều trị

Một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà con anh phải gánh chịu

Các khoản khác do quy định của pháp luật

Thủ tục khởi kiện bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 BLTTDS 2015 thì thẩm quyền để giải quyết vụ việc của con anh thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bệnh viện có trụ sở chính nếu hai bên không có thỏa thuận khác.

Anh nộp đơn khởi kiện kèm theo các chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của con anh bị xâm phạm.

Đơn khởi kiện anh có thể tham khảo theo mẫu sau: https://luatminhgia.com.vn/mau-don-khoi-kien.aspx

Về phim chụp X-quang và bản ghi âm

Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, thì: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp” (Điều 93 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015)

Phim chụp X-quang và chẩn đoán của bệnh viện là tài liệu đọc được và được coi là nguồn của chứng cứ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 95 BLTTDS 2015 quy định: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận

Tài liệu này anh có thể nộp bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp tới Tòa án để làm chứng cứ.

Băng ghi âm là tài liệu nghe được và được coi là nguồn của chứng cứ. Về xác định chứng cứ, Khoản 2 Điều 95 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định như sau: “2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.”  Như vậy, bản ghi âm chỉ được coi là chứng cứ chứng minh khi nó được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan. Trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đó thì đoạn băng ghi âm của bạn chỉ được xem là tài liệu liên quan đến vụ án, có giá trị tham khảo chứ không thể có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo