Lại Thị Nhật Lệ

Thủ tục đơn phương ly hôn và mức án phí sơ thẩm.

Tôi có một người em gái đã lấy chồng và có hai đứa con. Thời gian có đứa thứ nhất bị chồng bạo hành ngược đãi em tôi đã bỏ về ở với gia đình tôi, sau có sự hòa giải của hai gia đình cho hai đứa quay lại với nhau, trong thời gian đó em tôi có thai đứa thứ hai, trong lúc mang thai thì chồng em tôi bỏ đi nơi khác sinh sống không lo lắng gì cho vợ con.

Bây giờ đứa thứ hai đã bốn tuổi rồi em tôi muốn đơn phương ly hôn nhưng tòa án buộc phải gọi chồng em tôi về nếu không thì phải đóng gần 10 triệu đồng tiền án phí như vậy có đúng không? E tôi một mình đơn thân nuôi hai đứa con đã khó khăn rồi lấy tiền đâu mà đóng án phí như vậy. Xin hỏi luật sư như vậy có đúng không? nếu như muốn ly hôn em tôi phải làm sao? xin luật sư tư vấn giúp. chân thành cám ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho chị như sau:

 

Căn cứ theo Điều 56 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về  ly hôn theo yêu cầu của một bên:

 

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

 

Như vậy, nếu có căn cứ về việc e gái của chị có hành vi bạo lực gia đình hoặc người chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì em gái của bạn có quyền đơn phương ly hôn. 


Về thủ tục đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên) được nộp tại tòa án nơi cư trú của người chồng.

 

Hồ sơ bao gồm:

 

1. Đơn xin ly hôn (theo mẫu).

 

2. Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con);

 

3. Bản sao Giấy CMND, sổ hộ khẩu của em gái bạn và của người chồng;

 

4. Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trường hợp không có bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thì bạn phải xin xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn.

 

5. Các giấy tờ chứng minh về tài sản: ví dụ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…

 

Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

 

Trong trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc của vợ/chồng bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết được quy tại điểm a, khoản 1, Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. Theo đó, “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Tại điểm a, khoản 1, Điều 33 BLTTDS quy định thẩm quyền xét xử về hôn nhân (không có yếu tố nước ngoài) thuộc TAND cấp huyện, nên trường hợp này nguyên đơn nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện nơi chồng chị cư trú, làm việc cuối cùng (nếu biết).

 

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 58, khoản 1 Điều 59 BLTTDS, Nguyên đơn có nghĩa vụ “cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Do đó nguyên đơn cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về nơi cư trú cuối cùng của vợ/chồng cho tòa án nơi em gái chị nộp đơn.

 

Do đó, khởi kiện khi không biết địa chỉ của bị đơn, nguyên đơn phải làm thủ tục xác nhận địa chỉ cư trú tại UBND Phường, Xã nơi Bị đơn cư trú trước khi bỏ đi. Trong trường hợp có xác nhận đã đi khỏi nơi cư trú và không rõ đi đâu thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết nhưng phải tiến hành thêm thủ tục tuyên bố bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú (có làm thủ tục đăng báo theo quy định).

 

Mức án phí:

 

Căn cứ theo Điều 131 bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định về nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm:

 

1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp án phí sơ thẩm hoặc không phải nộp án phí sơ thẩm.

 

2. Trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi bên đương sự phải nộp án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.

 

3. Trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải nếu các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

 

4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.

 

Như vậy, nếu em gái của chị nộp đơn yêu cầu ly hôn thì em chị phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là 200000 đồng. Trong trường hợp hai vợ chồng  không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi bên đương sự phải nộp án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.


- Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch:
 

Giá trị tài sản có tranh chấp    Mức án phí

 

a) từ 4.000.000 đồng trở xuống    300.000 đồng

 

b) Từ trên 4.000.000 đồng đến
400.000.000 đồng    5% giá trị tài sản có tranh chấp

 

c) Từ trên 400.000.000 đồng đến
800.000.000 đồng    20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

 

d) Từ trên 800.000.000 đồng đến

2.000.000.000 đồng    36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng

 

đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến

4.000.000.000 đồng    72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng

 

e) Từ trên 4.000.000.000 đồng    112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.


Do đó, mức án phí sẽ phụ thuộc vào tài sản chung của hai vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu em gái chị nộp đơn yêu cầu ly hôn hì em gái chị phải nộp 200000 tiền án phí sơ thẩm và phải nộp thêm án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà e gái chị được hưởng trong khối tài sản chung. 

 

E gái chị phải  nộp 10 triệu đồng tiền án phí với lý do chồng em gái chị vắng mặt là không có căn cứ. Việc nộp án phí và thủ tục giải quyết vụ án ly hôn sẽ thực hiện theo những quy định trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo