Thủ tục đăng ký khai sinh quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh
Trình tự thực hiện:
- Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế; Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ hoặc người cha cư trú trong thời gian ở Việt Nam;
Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;
Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam, thì nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha.
Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam, còn người kia là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, thì nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt Nam;
Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam, thì nộp hồ sơtại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt Nam;
Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha và mẹ là công dân Việt Nam mà chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, sau đó về nước cư trú, thì nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha.
Thành phần hồ sơ:
- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu)
- Nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
- Xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
- Trường hợp ủy quyền cho người khác làm thay phải có văn bản ủy quyền được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.
Số lượng hồ sơ:
- 01 bộ
Thời hạn giải quyết:
Giải quyết ngay trong ngày, nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
Mẫu đơn, Tờ khai:
Tờ khai đăng ký đăng ký khai sinh (theo mẫu)
--
2. Đăng ký khai sinh cho con tại nơi mẹ đang tạm trú được không?
Câu hỏi:
Xin chào Luật sư. Tôi xin luật sư tư vấn sự việc như sau: Vào năm 1990 ông A và bà B sống với nhau như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn, không có con chung, hiện chưa có giấy không công nhận vợ chồng giữa ông A và bà B của toà án. Đến năm 2012 thì hai bên xảy ra mâu thuẩn chia tay nhau mỗi người ở một nơi. Sau đó (năm 2012) ông A chung sống với bà C, như vợ chồng có 1 con chung.
Bà C là dân tỉnh phía bắc. Hiện không rõ nguyên quán. Kể từ năm 2012 bà C đến tạm trú, sống chung với ông A tại địa phương ông A. Hiện không rõ tình trạng hôn nhân của bà C. Xin hỏi luật sư: Địa phương ông A làm giấy khai sinh cho đứa bé khi người mẹ có tạm trú được không? Nếu muốn đứa bé mang họ cha, hoặc họ mẹ thì làm thủ tục như thế nào?. Bản thân có NC NĐ 158 và TT01, nhưng nhờ luật sư tư vấn thêm giúp cho đứa bé có giấy khai sinh để đi hoc. Xin cảm ơn luật sư. Chúc sức khỏe!
Trả lời:
Công ty Luật Minh Gia xin tư vấn cho bạn như sau (thời điểm hỏi và trả lời tư vấn: Tháng 3/2016)
Thứ nhất, Ông A sống với bà B như vợ chồng và chưa đăng ký kết hôn. Do đó khi hai người không phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng. Bên cạnh đó, do chưa xác định được tình trạng hôn nhân của bà C nên chúng tôi xin đưa ra hai trường hợp: Bà C vẫn đang trong tình trạng hôn nhân và bà C không trong tình trạng hôn nhân. Nếu bà C đang có quan hệ vợ chồng với một người khác thì không thể đăng ký giấy khai sinh cho người con chung này. Còn nếu bà C đang không trong tình trạng hôn nhân (độc thân) thì theo Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.” Do vậy bà C đủ tư cách pháp lý để làm mẹ đẻ của người con chung này và điều này không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của bà C đối với con.
Thứ hai, Khoản 1 Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về việc đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: "1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh".
Từ quy định trên, có thể rút ra rằng, để địa phương của ông A làm giấy khai sinh cho đứa bé thì bà C phải thực hiện thủ tục tách khẩu và nhập hộ khẩu vào địa phương ông A. Bên cạnh đó, việc đứa bé mang họ cha hay họ mẹ là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và thỏa thuận của hai người với nhau.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất