Thủ tục công nhận bản án ly hôn của nước ngoài tại Việt Nam
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của bạn đến công ty Luật Minh Gia. Với những thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Vì bạn thực hiện thủ tục ly hôn tại nước ngoài và hiện nay đã có bản án ly hôn của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, do vậy, khi về Việt Nam sinh sống bạn cần phải thực hiện thủ tục công nhận hoặc ghi chú bản án ly hôn của nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 125 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về công nhận, ghi chú bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân và gia đình như sau:
“1. Việc công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
2. Chính phủ quy định việc ghi vào sổ hộ tịch các việc về hôn nhân và gia đình theo bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam; quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài.”
Căn cứ theo quy định trên tại Luật Hôn nhân và gia đình thì có hai trường hợp có thể ghi nhận bản án lý hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Do thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể do đó chúng tôi chia thành các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Nếu bản án ly hôn ở nước ngoài của bạn có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì bạn phải làm thủ tục yêu cầu công nhận bản án, quyết định ly hôn của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tục công nhận:
Điều 37 Bộ luật tố tụng 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh như sau:
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.”
Khoản 3 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp Huyện như sau:
“3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”
Theo quy định trên thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xem xét việc công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, bạn có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận bản án ly hôn này.
Trước tiên, bạn phải gửi một bộ hồ sơ lên Bộ Tư pháp, hồ sơ bao gồm:
- Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của nước ngoài tại Việt Nam
- Bản sao hợp pháp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài
- Văn bản xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam
- Văn bản xác nhận việc đã gửi cho người phải thi hành bản sao bản án, quyết định đó.
- Trường hợp người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó vắng mặt tại phiên tòa của Tòa án nước ngoài thì phải có văn bản xác nhận người đó đã được triệu tập hợp lệ.
(Đơn yêu cầu và các tài liệu gửi kèm theo phải được dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp)
Sau khi nhận được hồ sơ, bộ tư pháp sẽ chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền để xem xét đơn yêu cầu của bạn và ra quyết định.
Trường hợp 2: Nếu bản án, quyết định ly hôn của bạn không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và cũng không có yêu cầu công nhận tại Việt Nam thì bạn có thể làm thủ tục ghi chú ly hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 38 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký kết hôn hoặc ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn trước đây thực hiện ghi chú ly hôn.
Trường hợp việc kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây thực hiện tại Sở Tư pháp thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện.
Trường hợp việc kết hôn trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trên thực hiện.
Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú trước khi xuất cảnh của công dân Việt Nam thực hiện.
2. Công dân Việt Nam từ nước ngoài về thường trú tại Việt Nam có yêu cầu ghi chú ly hôn mà việc kết hôn trước đây được đăng ký tại cơ quan đại diện hoặc tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam thường trú thực hiện.
3. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có yêu cầu ghi chú ly hôn để kết hôn mới mà việc kết hôn trước đây được đăng ký tại cơ quan đại diện hoặc tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tiếp nhận hồ sơ kết hôn mới thực hiện.”
Hồ sơ ghi chú ly hôn gồm:
- Tờ khai theo mẫu quy định;
- Bản sao giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật.
- Giấy tờ về nhân thân của vợ chồng như chứng minh nhân dân hoặc hộ chiều,...
- Thủ tục công nhận bản án ly hôn nước ngoài quy định thế nào?
Câu hỏi: Chào luật sư! Năm 2009 em kết hôn và sau đó đến Hàn Quốc, do cuộc sống vợ chồng không được hạnh phúc nên em đã trở về Việt Nam vào tháng 5 năm 2014. Em và chồng em đã thống nhất tự nguyện ly hôn, vào cuối tháng 4 năm 2016 chồng em đã hoàn tất xong thủ tục ly hôn ở Hàn Quốc (không có tranh chấp về tài sản, không ràng buộc con cái) và gửi các hồ sơ liên quan cho cơ quan có thẩm quyền để gửi về Việt Nam. Nhưng 2 tháng đã trôi qua hiện tại em chưa nhận được bất kì thông tin liên hệ nào từ cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cả. Nhờ luật sư tư vấn giúp cho trường hợp của em! Xin cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Chào chị! Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:
Khoản 2 Điều 39 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
"a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch của Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu việc ghi chú ly hôn không vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 37 hoặc không thuộc trường hợp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 của Nghị định này thì Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.
b) Nếu yêu cầu ghi chú ly hôn vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 37 hoặc thuộc trường hợp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 của Nghị định này thì Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối.
c) Nếu việc kết hôn trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân Cấp xã hoặc Sở Tư pháp thì sau khi ghi chú ly hôn, Phòng Tư pháp gửi thông báo kèm theo bản sao trích lục hộ tịch cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Sở Tư pháp để ghi chú tiếp vào Sổ hộ tịch; nếu được đăng ký tại cơ quan đại diện thì gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ghi chú tiếp vào Sổ hộ tịch."
Như vậy, nếu đến nay đã hơn 2 tháng mà chị chưa nhận được bất kỳ một phản hồi nào từ phía cơ quan tư pháp thì có thể yêu cầu phía cơ quan tư pháp trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cùng căn cứ pháp lý cho việc chậm trễ giải quyết thủ tục cho mình và dùng đó làm căn cứ khiếu nại lên cấp trên của cán bộ trả lời.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Thủ tục công nhận bản án ly hôn của nước ngoài tại Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất