Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thủ tục công chứng khai nhận di sản thừa kế không có di chúc

Người chết có nguyện vọng để lại di sản cho cháu nhưng không lập di chúc thì cháu có thể khai nhận di sản đó không? Việc thực hiện phân chia di sản thừa kế như thế nào? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự - Thừa kế

Chế định thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự quy định nhằm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản từ người chết sang những người thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Theo đó, nếu người chết có mong muốn, nguyện vọng để lại tài sản cho cá nhân, tổ chức cụ thể thì họ có quyền định đoạt tài sản của mình bằng di chúc thể hiện ý nguyện của mình. Trong trường hợp không có di chúc thì di sản thừa kế của người chết được thực hiện phân chia theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, trong trường hợp người nhà của bạn mất không để lại di chúc và gia đình bạn chưa biết cách phân chia di sản thừa kế của người chết như thế nào thì bạn có thể tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc hỏi ý kiến luật sư để xác định di sản và lên phương án phân chia di sản. Nếu bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

2. Tư vấn về thủ tục công chứng, khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật

Câu hỏi: Thưa luật sư, Tôi xin có một vấn đề mong được luật sư giúp đỡ về khai nhận thừa kế như sau: Chị tôi mất từ năm 2005, không để lại di chúc và có để lại tài sản cho một người cháu (là một trong những người con của người anh đã mất) trông coi đến nay. Người cháu đó lúc trước nuôi dưỡng rất chu đáo chị của tôi nên chị tôi cũng có nguyện vọng để lại di sản cho cháu và cũng đã nói lại nguyện vọng này với rất nhiều người trước khi chết, nhưng không có di chúc.

Chị tôi hiện không còn cha mẹ hay con cái chỉ còn mình tôi là em nhưng tôi đã lấy chồng ở tỉnh khác rất lâu nên không còn giữ giấy tờ chứng minh quan hệ cả.

Nay người người cháu này muốn nhờ tôi đứng ra kê khai nhận di sản thừa kế, sau đó bán lại cho cháu để làm sổ đỏ. Vì vậy, xin cho tôi hỏi Luật sư:

1. Tôi có được pháp luật thừa nhận quyền thừa kế này không, nếu có thì tôi phải làm gì để được nhận di sản thừa kế này?

 2. Do điều kiện cá nhân tôi không cho phép tôi đi lại được (tôi bị liệt), vậy tôi có thể ủy quyền cho người cháu đó làm thủ tục nhận thừa kế được không? Thủ tục tôi cần phải làm là gì?

Do người cháu đó nuôi dưỡng rất chu đáo ba mẹ các anh chị tôi mà không có yêu cầu gì về quyền lợi cả, chị tôi nhiều lần muốn viết di chúc nhưng người cháu không đồng ý, nhưng giờ các anh em của người cháu này (cùng hàng thừa kế với người cháu này luôn) muốn chia thừa kế để bán đất, nhưng vì đất này có là đất thờ cúng các anh chị tôi nên người cháu này không đồng ý, có nhờ tôi giúp nhưng tôi lực bất tòng tâm, mong nhờ luật sư giúp đỡ.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của gia đình bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Chị bạn mất không để lại di chúc nên việc phân chia di sản thừa kế sẽ xử lí theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp, thì di sản chị bạn để lại không có người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bạn là em ruột nên thuộc hàng thừa kế thứ hai, người cháu là cháu ruột thuộc hàng thừa kế thứ ba. Do vậy theo khoản 3 Điều 676 nói trên bạn là người sẽ được hưởng phần di sản thừa kế. Cháu bạn chỉ trở thành người hưởng di sản thừa kế nếu bạn từ chối nhận di sản thừa kế.

Để nhận di sản thừa kế này, bạn tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản, theo khoản 2 Điều 57 Luật công chứng 2014:

Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

Cách thức thực hiện khai nhận di sản: Nộp hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng.

Thành phần hồ sơ:

- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch.

- Dự thảo văn bản khai nhận di sản (trường hợp tự soạn thảo);

- Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

- Giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

- Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao).

Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

Sau đó làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

Bạn có thể ủy quyền cho cháu bạn để thực hiện các thủ tục này thông qua hợp đồng ủy quyền có công chứng. Hoặc theo khoản 2 Điều 44 Luật công chứng 2014: Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.  thì bạn có thể trình bày lí do không thể đi lại được (bạn hoàn toàn có lí do chính đáng) để tổ chức công chứng cử người đến lấy chữ kí, điểm chỉ mà bạn không cần đến trụ sở hay ủy quyền cho cháu bạn.

---------------

Câu hỏi thứ 2 - Chia di sản thừa kế có tính đến công sức đóng góp của người quản lý di sản?

Chào a/c! em muốn anh chị tư vấn em vấn đề này ạBà em khi mất không để lại di chúc,dẫn đến việc tranh giành quyền sử dụng đất, hiện tại chỉ có nhà em đang sinh sống trên mảnh đất đó, tài sản gồm có nhà cấp bốn xây từ năm 1992, bếp, sân,bờ bao, ,,,bà khi còn sống đã ở với nhà em 10 năm, và giờ khi bà mất thì các bác muốn phá nhà em ra để xây từ đường với lý do là hồi xây nhà nă, 1990 không xin phép ai ạ...cùng với việc chia đất và không đền bù gì ạ !em muốn hỏi trường hợp của nhà em muốn nhờ pháp luật can thiệp thì sẽ xử lý như thế nào, khối tài sản nhà em sẽ được tính như thế nào trong trường hợp chia đất . Em cảm ơn !p/s; Mong sớm nhận được phản hồi từ anh chị.

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây: 

>> Thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự

Theo thông tin anh/chị cung cấp thì quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do người bà để lại. Do không có di chúc nên di sản thừa kế sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bà, bao gồm: "vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết" (Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015).

Do đó, những người thừa kế của người bà có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, trường hợp gia đình anh/chị có công sức đóng góp trong việc cải tạo đất, tạo lập tài sản trên đất thì sẽ được hưởng phần giá trị tài sản tương ứng với công sức đóng góp của mình. Nếu gia đình không thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169