Thủ tục cho con nuôi
Trước đây vì mâu thuẫn nên chồng tôi rêu rao khắp nơi là không lấy tôi nữa và đã nộp đơn ly hôn lên UBND xã, xã đã tổ chức buổi hòa giải đoàn tụ nhưng không thành và bảo chồng tôi nộp đơn lên huyện, đến giờ tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nay do điều kiện không thể nuôi nẫng được nữa tôi muốn cho 1 đứa nhỏ người khác nuôi thì tôi không rõ thủ tục như thế nào, họ bảo phải gọi chồng tôi về kí tên vào tờ giấy nào đấy, tôi đã gọi nhưng chồng tôi nói là không về. Vậy thưa quý luật tôi muốn hỏi là: - để cho con người khác nuôi tôi và họ cần làm những giấy tờ gì ? - nếu cần chữ kí của chồng tôi mà tôi không chịu, chồng tôi làm như vậy chỉ muốn gây khó dễ cho tôi vì chồng tôi cũng rêu rao là "đứa con nhỏ này không phải con của tôi" vậy tôi phải làm thế nào ? (trong giấy khai sinh vẫn ghi tên bố là chồng tôi vì chúng tôi chưa hẳn là ly hôn). Rất mong nhận được sự vấn đáp sớm nhất của quý luật, Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn. Trường hợp của chị, chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, về vấn đề cho con nuôi.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi 2010, hồ sơ của người được nhận làm con nuôi trong nước bao gồm:
a) Giấy khai sinh;
b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
d) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, chị nộp tại UBND cấp xã, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND xã tiến hành lấy ý kiến những người quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi.
Khoản 1 Điều 21 Luật nuôi con nuôi quy định về sự đồng ý cho con nuôi:
"1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó."
Theo đó, nếu chị muốn giao con cho người khác nuôi thì phải có sự đồng ý của chồng (tức cha đẻ của đứa bé). Trừ trường hợp bố đứa trẻ chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì chỉ cần sự đồng ý của chị là đủ.
Thứ hai, về vấn đề nghĩa vụ nuôi con.
Điều 88 Luật hôn nhân gia đình quy định nguyên tắc xác định cha, mẹ cho con như sau:
"1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định."
Theo đó, con chị sinh ra trong thời kỳ hôn nhân mặc nhiên được xác định là con chung của anh chị về mặt pháp lý. Cả hai vợ chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Thủ tục cho con nuôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất