Thời hiệu giải quyết tranh chấp tài sản chung vợ chồng?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn, trường hợp bạn thắc mắc chúng tôi tư vấn như sau:
Hiện tại, pháp luật không có quy định bắt buộc phải đồng thời giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng với việc giải quyết ly hôn. Thậm chí, việc tự thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn còn được khuyến khích qua việc quy định đương sự chỉ phải chịu án phí chia tài sản đối với phần tài sản có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết.
Thực tế là vợ chồng có nhiều loại tài sản chung và có những tài sản họ không muốn hoặc không thể yêu cầu giải quyết chia đồng thời với việc ly hôn. Ví dụ: vợ chồng yêu cầu chia một ngôi nhà đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng chưa muốn chia một mảnh đất ở nơi khác chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn cổ phần tại một công ty thì lại phải chờ đến thời điểm thích hợp theo điều lệ của công ty ấy mới phân chia được. Như vậy, đương sự có quyền chỉ yêu cầu ly hôn mà chưa yêu cầu giải quyết về tài sản hoặc chỉ yêu cầu giải quyết về một phần của tài sản chung; việc chia tài sản chung có thể được giải quyết bằng nhiều vụ án khác.
Đối với những tài sản chung chưa phân chia thì họ vẫn là đồng chủ sở hữu mặc dù họ không cỏn là vợ chồng. Khi có yêu cầu tiếp tục chia tài sản chung sau khi đã ly hôn thì vụ án chia tài sản vẫn là vụ án hôn nhân và gia đình vì vẫn phải chia theo quy định pháp luật Luật Hôn nhân và gia đình.
Về thời hiệu khởi kiện: Không có hạn chế về thời hiệu chia tài sản chung. Tuy nhiên, những tranh chấp khác liên quan đến tài sản chung vẫn có thời hiệu khởi kiện nếu pháp luật có quy định. Ví dụ: có người thứ ba xâm phạm tài sản chung thì các đồng chủ sở hữu có quyền khởi kiện trong thời hạn 2 năm kể từ ngày quyền sở hữu bị xâm phạm; một trong hai đồng chủ sở hữu tự ý giao dịch đối với tài sản chung thì chủ sở hữu kia có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu trong thời hạn cụ thể mà pháp luật quy định. Cần lưu ý là chưa giải quyết về tài sản chung khác với việc đã tuyên bố không có tài sản chung. Nếu trong bản án, quyết định về ly hôn đã có phần quyết định là vợ chồng không có tài sản chung thì không thể thụ lý, giải quyết chia taì sản chung nếu phần quyết định không có tài sản chung chưa bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Tư vấn về tranh chấp tài sản sau khi ly hôn
Câu hỏi: Tôi có một vấn đề muốn luật minh gia tư vấn về tranh chấp tài sản sau khi ly hôn như sau: Tôi và vợ tôi đã ly hôn hơn một năm, khi ly hôn thỏa thuận giữa hai vợ chồng là tôi được quyền nuôi con (con trên 4 tuổi), và tài sản chung giữa hai vợ chồng trong đó có một chiếc xe moto và chiếc xe này theo thỏa thuận và trong quyết định ly hôn thuộc về tôi. Thời gian sau đó, do tôi không có thời gian để liên hệ với vợ tôi để nhận lại chiếc xe, sau này tôi liên hệ để lấy lại xe thì vợ tôi đã chuyển nhượng cho người khác. Vậy luật minh gia tư vấn giúp tôi phải làm gì và đến cơ quan nào để lấy lại tài sản mà tòa án đã giao cho tôi. Tường hợp nếu tôi làm đơn tố cáo vợ tôi lên cơ quan công an về tội cố ý chiếm đoạt tài sản người khác thì vợ tôi sẽ bị xử lý như thế nào (giá trị xe moto khoản 40 triệu đồng). Rất mong sự giúp đỡ của luật minh gia. Chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Thứ nhất, về việc thi hành án
Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án
1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Theo đó, cần phải lưu ý đến thời hiệu yêu cầu thi hành án. Xem xét đến thời điểm này, nếu như hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì bạn không có quyền yêu cầu thi hành án.
- Thứ hai, về hành vi của vợ bạn
Bộ luật hình sự quy định:
“Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
...”
Do thông tin bạn cũng cấp chưa rõ ràng, nên chưa thể nhận định vợ bạn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt chiếc xe này hay không, cần phải có những chứng cứ chứng minh về việc vợ bạn đã thực hiện hành vi lừa đảo, cố ý đưa ra những thông tin sai lệch nhằm mục đích chiếm đoạt khối tài sản đó. Nếu không chứng minh được yếu tố gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì việc vợ bạn tự ý bán chiếc xe đó sẽ không có giá trị pháp lý (vô hiệu). Vì thời điểm vợ bạn bán chiếc xe đó đã có bản án của Tòa án về việc chiếc xe đó thuộc quyền sở hữu của bạn nên vợ bạn không có quyền đối với chiếc xe đó.
Về hậu quả của hợp đồng dân sự vô hiệu, quy định:
“Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
…
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
Như vậy, vợ bạn và người mua chiếc xe đó sẽ phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất