Cao Thị Hiền

Thi hành án dân sự đòi nợ quy định thế nào?

Thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án, các chủ thể khác trong việc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án. Hiện nay, có nhiều trường hợp xảy ra khi đã có bản án, bên có nghĩa vụ phải trả nợ lại không thực hiện việc trả nợ. Do vậy, cần sự hỗ trợ của bên thi hành án đòi nòi nợ. Việc thi hành án dân sự đòi nợ góp phần đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định; bảo vệ lợi ích của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân.

1. Thi hành án đòi nợ là gì?

Pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm thi hành án đòi nợ là gì. Tuy nhiên đây là một thuật ngữ phổ biến trong đời sống, do đó, có thể đưa ra định nghĩa thi hành án đòi nợ có thể hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tiến hành theo thủ tục, trình tự được pháp luật quy định nhằm thực hiện các bản án, quyết định về việc thu hồi nợ/tranh chấp về vấn đề thanh toán theo hợp đồng... đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

2. Thời hiệu yêu cầu thi hành án đòi nợ

Điều 30 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự quy định như sau:

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Như vậy, theo quy định trên trong vòng 5 năm kể từ ngày mà bản án, quyết định dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án.

3. Thi hành án dân sự đòi nợ

Việc thi hành án đòi nợ sẽ được tiến hành trên cơ sở tự nguyện của người phải thi hành án, nếu hết thời hạn mà pháp luật quy định mà không tự nguyện thực hiện quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế thực hiện.

Căn cứ Điều 45 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định thời hạn tự nguyện thi hành án như sau:

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.

Như vậy, trong vòng 10 ngày, người phải thi hành án được tự nguyện thực hiện quyết định thi hành án, thời hạn được tính bắt đầu từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Nếu người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp để bảo đảm cho việc thi hành án như phong tỏa tài sản, hạn chế mọi giao dịch pháp lý liên quan đến tài sản...

Khi hết thời gian tự nguyện thi hành án đòi nợ, mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng không thực hiện quyết định thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án.Việc cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014, cụ thể như sau:

1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Như vậy, việc tổ chức cưỡng chế phải thực hiện trong các ngày làm việc bình thường thời gian bắt đầu từ 06 giờ đến 22 giờ. Không được tổ chức cưỡng chế thi hành án trong các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

4. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án đòi nợ

Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định”

Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng khi người phải thi hành án có nghĩa vụ và hành vi phải thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà không thực hiện.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Hỗ trợ nhanh
Chat zalo