Thay đổi bao bì, đóng gói lại sản phẩm nhập khẩu được không?
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn quy định pháp luật về nhãn hiệu
Hiện nay, nhãn hiệu hành hóa sản phẩm là một trong những vấn đề được các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh đặc biệt quan tâm. Nhãn hiệu sẽ được bảo vệ nếu đáp ứng đủ các điều kiện là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Vậy có được thay đổi nhãn hiệu của hàng hóa sau nhập khẩu không? Việc chia, tách đóng gói lại sản phẩm hàng hóa sau khi nhập khẩu về có vi phạm quy định của pháp luật? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn. Nếu bạn cũng có thắc mắc tương tự thì hãy liên hệ với chúng tôi
2. Quy định về việc đổi bao bì, đóng gói lại sản phẩm hàng hóa nhập khẩu
Câu hỏi đề nghị tư vấn:
Kính chào Anh/Chị luật sự, Hiện em đang xin giấy phép lưu hành thức ăn thủy sản của Nhật Bản có tên là O để nhập khẩu và phân phối ở thị trường Việt Nam, do sản phẩm từ nhà sản xuất được đóng trong bao bì loại lớn 20kg nên em muốn đóng gói lại với những bao bì nhỏ hơn từ 300gr, 1kg, 3kg đến 15kg với bao bì có tên thường hiệu khác là M
(em đã đăng kí độc quyền thương hiệu này) thì có được không ạ? Pháp luật có cấm hay không? Nếu không em có cần phải đăng kí thêm giấy phép gì hay không ạ? Em rất mong đươc sự giải đáp của quý anh/chị luật sư ! Em xin chân thành cảm ơn ạ !
Trả lời tư vấn:
Luật Minh Gia cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn.Với yêu cầu hỗ trợ tư vấn của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau:
Khoản 5 Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ quy định sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;
c) Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Ngoài ra, tại Điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ quy định về Nhãn hàng hóa có quy định về Tên hàng hóa như sau:
“Tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.
Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.
Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 của Nghị định này.”
Doanh nghiệp của bạn là chủ sở hữu của nhãn hiệu “M”, do vậy có quyền gắn nhãn hiệu đó vào sản phẩm, hàng hóa. Pháp luật không có quy định cấm doanh nghiệp san chia, đóng gói lại sản phẩm nên việc doanh nghiệp bạn san chia sản phẩm với định lượng nhỏ hơn là không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm là thức ăn thủy sản, đây là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Trong hồ sơ kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu có yêu cầu cung cấp mẫu nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Mặt khác Điểm b, khoản 2 Điều 12 Nghị định 39/2017/NĐ-CP quy định: Mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có một tiêu chuẩn chất lượng được công bố chỉ được đặt 01 tên thương mại tương ứng.
Vì vậy, để sử dụng tên “M” cho sản phẩm nhập khẩu là thức ăn thủy sản, doanh nghiệp bạn có thể ký hợp đồng mua bán hàng hóa với bên xuất khẩu và trong hợp đồng có thỏa thuận về việc doanh nghiệp nhập khẩu được đóng gói lại sản phẩm với tên sản phẩm là "M". Sau đó, đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản nhập khẩu với tên “M”.
Lưu ý về hạn sử dụng của sản phẩm khi đóng gói lại theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 43/2017/NĐ-CP: Đối với hàng hóa được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phải thể hiện ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc.
Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất