Phương Thúy

Công ty là gì? Nên chọn lập công ty hay hộ kinh doanh?

Để bắt đầu hoạt động kinh doanh, tham gia vào lĩnh vực đầu tư vốn, nhiều nhà đầu tư sẽ lúng túng không biết chọn lựa thành lập công ty hay hộ kinh doanh để tối ưu nhất cho hoạt động kinh doanh của mình. Bài viết này của Luật Minh Gia sẽ giải đáp một phần nào những thắc mắc của quý khách hàng.

1. Công ty là gì?

1.1 Quy định về công ty, doanh nghiệp

Hiện nay chưa có quy pháp luật nào nào định nghĩa riêng cho thuật ngữ “công ty” mà chỉ quy định “Công ty bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh.” (khoản 6 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020).

Tuy nhiên một công ty chắc chắn là một doanh nghiệp nên có thể vận dụng khái niệm luật doanh nghiệp để giải thích thế nào là một công ty. Tại khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì:

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

1.2 Đặc điểm của công ty, doanh nghiệp

Theo quy định pháp luật thì công ty, doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, công ty có tính tổ chức, tài sản riêng, có trụ sở giao dịch

Tính tổ chức của công ty được thể hiện ở chỗ công ty luôn có cơ cấu rõ ràng phụ thuộc vào loại hình công ty, có các bộ phận riêng chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp như ban điều hành, bộ phận nhân sự, bộ phận kế toán… Mỗi công ty phải đảm bảo duy trì chế độ tài chính riêng biệt, độc lập với doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác để đảm bảo mỗi công ty đều có tài sản và phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Bên cạnh đó, trong mỗi giao dịch thì công ty có quyền nhân danh chính để tiến hành xác lập và thực hiện giao dịch.

Thứ hai, công ty phải được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định pháp luật

Khi nhà đầu tư có nhu cầu thành lập công ty thì phải thực hiện trình tự, thủ tục tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà. Hiện nay Cơ quan được giao quyền đảm nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp Giấy chứng đăng ký doanh nghiệp là Phòng đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tùy vào từng loại hình công ty mà trình tự, thủ tục sẽ khác nhau.  

Thứ ba, công ty, doanh nghiệp được thành lập với mục đích kinh doanh

Mục đích kinh doanh của công ty được thể hiện ở chỗ khi tiến hành đăng ký thành lập công ty thì công ty phải kê khai ngành, nghề kinh doanh theo Quyết định về hệ thống ngành, nghề kinh doanh của Thủ tướng Chính phủ và chỉ được hoạt động trong những ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký. Bên cạnh đó, mục đích của nhà đầu tư khi thành lập công ty là để tìm kiếm lợi nhuận và hoạt động kinh doanh chính là con đường để tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Thứ tư, công ty, doanh nghiệp là một pháp nhân

Theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, một tổ chức có tư cách pháp nhân khi có các điều kiện: “Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.” Từ tất cả những đặc điểm trên cho ta thấy công ty mang đầy đủ đặc điểm của một pháp nhân Việt Nam, do đó công ty là một pháp nhân.

1.3 Các loại hình công ty, doanh nghiệp

Hiện nay Luật doanh nghiệp 2020 đang ghi nhận 4 loại hình công ty bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH 1 thành viên và TNHH 2 thành viên trở lên), Công ty cổ phần và công ty hợp danh.

2. Hộ kinh doanh cá thể là gì? Đặc điểm của hộ kinh doanh?

2.1 Quy định về hộ kinh doanh cá thể

Cũng như công ty, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa về hộ kinh doanh mà khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021 NĐ-CP chỉ quy định:

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

2.2 Đặc điểm của hộ kinh doanh cá thể

Theo quy định hộ kinh doanh cá thể có những đặc điểm như sau:

- Thứ nhất, hộ kinh doanh do một các nhân hoặc một hộ gia đình làm chủ

Trên góc độ pháp lý, chủ hộ kinh doanh phải là các cá nhân, con người cụ thể. Thành viên của hộ kinh doanh không thể là một tổ chức hoặc một đại diện được các tổ chức cử ra để tham gia hộ kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh hộ gia đình làm chỉ thì các cá nhân sẽ thỏa thuận với nhau cử ra một người đại diện để tham gia vào các quan hệ pháp luật và mối quan hệ giữa các cá nhân đó là quan hệ đồng sở hữu. Đối với hộ kinh doanh, chủ sở hữu có quyền quyết định các vấn đề về cơ cấu tổ chức, hoạt động, vốn đầu tư, mục tiêu và kế hoạch kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại của nó.

- Thứ hai, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân

Theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, một tổ chức có tư cách pháp nhân khi có các điều kiện: “Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Do đó, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân bởi vì hộ kinh doanh không có tài sản độc lập với người thành lập. Hộ kinh doanh do một cá nhân làm thành lập có bản chất là cá nhân kinh doanh, mọi tài sản của hộ kinh doanh cũng đồng thời là tải sản của cá nhân tạo lập hộ kinh doanh. Sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và thanh toán theo quy định của pháp luật, cá nhân tạo lập hộ kinh doanh được hưởng toàn bộ lợi nhuận đồng thời cũng phải chịu mọi nghĩa vụ và rủi ro.

Thứ ba, hộ kinh doanh thương kinh doanh với quy mô nhỏ hẹp

Theo quy định của pháp luật, hộ kinh doanh và doanh nghiệp được hoạt động trong nhiều ngành, nghề nhưng các cá nhân khi lựa chọn mô hình hộ kinh doanh theo hướng kinh doanh với số vốn nhỏ, hoạt động đơn giản và dễ kiểm soát. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ hơn các doanh nghiệp về các tiêu chí như số lượng lao động, địa điểm kinh doanh, đất đai, tư liệu sản xuất…

Thứ tư, thành viên hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh

Tất cả các thành viên của hộ kinh doanh đều phải chịu mọi rủi ro trong hoạt động kinh doanh của hộ. Do tính chất độc lập về tài sản của hộ kinh doanh không có nên chế độ trách nhiệm trên là vô hạn. Điều đó có nghĩa là: Đối với hộ do một các nhân làm chủ, chủ hộ không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của hộ trong phạm vi phần vốn và tài sản dùng để kinh doanh mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, trong trường hợp vốn đầu tư đã đăng ký không đủ để trang trải các khoản nợ.

Nếu hộ kinh doanh có chung chủ sở hữu thì tất cả các thành viên trong hộ phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tất cả tài sản của mình. Cụ thể là số vốn chung không đủ để trả nợ, thì mỗi thành viên sẽ đóng góp thêm bằng tài sản riêng hoặc tài sản dân sự chung của cả hộ để trả nợ.

3. Nên thành lập doanh nghiệp hay hộ kinh doanh?

- Công ty hay hộ kinh doanh đều có những đặc điểm riêng và việc lựa chọn thành lập công ty hay hộ kinh doanh thì phải dựa vào nhu cầu và khả năng tài chính của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu hoạt động đa dạng ngành nghề, có chế độ thu chi rõ ràng, có khả năng mở rộng thi trường thì có thể chọn thành lập công ty để đạt được mục đích kinh doanh của mình vì lĩnh vực hoạt động của công ty thường lớn, ổn định chủ yếu trong những ngành quan trọng của quốc gia như công nghiệp, dầu khí, xây dựng, giao thông, tài chính,…đó là những ngành đòi hỏi số vốn đầu tư lớn, trình độ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ cao.

- Đặc biệt, khi thành lập doanh nghiệp thì công ty có thể thực hiện mở rộng phạm vi kinh doanh như thành lập địa điểm kinh doanh, thành lập chi nhánh mà không hạn chế phạm vi địa lý. Ngoài ra khi thành lập công ty thì khả năng tham gia và trúng các gói thầu lớn sẽ cao hơn so với hộ kinh doanh.

- Trên đây là một trong những ưu điểm của việc thành lập công ty so với hộ kinh doanh mà Luật Minh Gia đưa ra để quý khách hàng có thể tham khảo. Trường hợp có nhu cầu tư vấn cụ thể thì quý khách có thể liên hệ tới bộ phận Luật sư doanh nghiệp của Luật Minh Gia để Luật sư có thể tư vấn các vấn đề pháp lý như điều kiện thành lập, ngành nghề kinh doanh có điều kiện… và những rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo