Cao Thị Hiền

Thành khẩn khai báo là gì? Được giảm nhẹ thế nào?

Tội phạm bao giờ cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ra hoặc đe dọa gây ra hậu quả cho những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên căn cứ vào hành vi phạm tội mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định các hành vi được xem là tình tiết giảm nhẹ cho bị can, bị cáo từ đó đưa ra chế tài phù hợp đối với từng đối tượng phạm tội.

1. Thành khẩn khai báo là gì?

Hiện nay, khái niệm thành khẩn khai báo vẫn chưa được giải thích cụ thể bằng văn bản pháp luật mà chỉ mới được giải thích thông qua các văn bản giải đáp nghiệp vụ. Cụ thể:

Theo Sổ tay thẩm phán 2009 của TANDTC thì thành khẩn khai báo được hiểu là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Mức độ giảm nhẹ của việc thành khẩn khai báo phụ thuộc vào sự thành khẩn được thực hiện ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của sự thành khẩn trong việc giải quyết vụ án.

Theo Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC thì người phạm tội thành khẩn khai báo được hiểu là trường hợp người phạm tội thành hẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình.

2. Thành khẩn khai báo được giảm nhẹ thế nào?

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể giảm đi, là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội.

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội như sau: “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;” Như vậy, người phạm tội nếu thành khẩn khai báo sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Căn cứ Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

Người thành khẩn khai báo là không gian dối bất kỳ một điều gì liên quan đến hành vi phạm tội của mình cũng như người khác. Pháp luật hình sự không quy định người phạm tội khai báo không thành khẩn sẽ không thuộc các tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo thì pháp luật lại quy định đó là một tình tiết giảm nhẹ bởi vì quy định như vậy thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước, cũng như giúp cơ quan có thẩm quyền tố tụng pháp hiện tội phạm sớm hơn.

3. Một số vướng mắc khi áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo

Theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự quy định: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;. Theo đó, giữa hai tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” có dấu phẩy ngăn cách thì đây được xem là một hay hai tình tiết giảm nhẹ. Bộ luật hình sự vẫn chưa thể hiện rõ ràng việc thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là một hay hai tình tiết dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề trên. Tuy nhiên, từ những phân tích ở mục 1, thì hiện nay Tòa án nhân dân tối cáo vẫn cho rằng tình tiết thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là hai tình tiết giảm nhẹ. Nhưng để bị cáo vừa thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải thì phải được thể hiện rõ bằng hành vi, chứng minh được người bị hại hoặc xã hội thừa nhận mới áp dụng hai tình tiết này.

Nhà nước luôn có những chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội mà có tình tiết giảm nhẹ. Một trong những tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội thành khẩn khai báo khi đã bị phát hiện ra hành vi phạm tội của mình.

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Hỗ trợ nhanh
Chat zalo