Thẩm quyền giải quyết đăng ký nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
Nội dung đề nghị tư vấn: Thưa luật sư, giải đáp giùm tôi về vấn để thẩm quyền giải quyết nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau: Gia đình tôi có người bà con sinh sống ở nước ngoài, vì không có con nên muốn về Việt Nam xin nhận con nuôi. Đề nghị cho chúng tôi biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết đăng ký nhận nuôi con nuôi trong trường hợp này?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Việc người bà con của bạn muốn về Việt Nam nhận con nuôi thuộc trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài: “Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài” (Khoản 5 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010).
Hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi được quy định tại khoản 1 Điều 31 – Luật nuôi con nuôi bao gồm:
“1. Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a) Đơn xin nhận con nuôi;
b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;
e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
g) Phiếu lý lịch tư pháp;
h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.
2. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.
3. Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp”.
Nếu nhận nuôi con nuôi đích danh, người bà con của bạn có thể tới nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Tư pháp, trường hợp nhận nuôi con nuôi không đích danh, hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi phải được gửi cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước mà người bà con của bạn thường trú.
- Tư vấn về việc nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
Tôi hiện đang sinh sống ở Việt Nam, hiện đã 19 tuổi, Bố dượng tôi là người Hàn Quốc, định cư tại Hàn Quốc, hiện bố dượng tôi muốn nhận tôi làm con nuôi, xin hỏi tôi cần những thủ tục gì ạ, ai là người có thẩm quyền chứng thực giấy tờ giúp tôi?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Theo Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định về người được nhận làm con nuôi như sau:
1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
Theo quy định trên thì người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi, đối với trường hợp được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi hoặc được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi có thể là người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi. Với trường hợp của bạn, bạn đã 19 tuổi nên không đủ điều kiện để làm con nuôi của cha dượng bạn.
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất