Thăm gặp, bảo lĩnh người bị tạm giữ, tạm giam thế nào?
Mục lục bài viết
Ông hứa hẹn mấy lần nhưng đều thất hứa. khi đó liên lạc với ông V nhưng không được. Đến11h30 ngày 18-5 chúng tôi có gặp ông V và mời ông về gia đình để nói chuyện yêu cầu ông phải hoàn trả lại tiền đặt cọc theo hợp đồng. Nhưng ông V cứ lần nữa mãi không thanh lý cho chúng tôi. Chúng tôi có lên trình báo công an xã nơi cư trú nhưng chính quyền xã không vào can thiệp.
Đến 17h do không đòi đc tiền và do cũng không am hiểu pháp luật nên chúng tôi đã có hành động trói, xích ông ta và sự việc bị phát tán trên mạng xã hội do những người dân hiếu kỳ và cũng ko hiểu được hậu quả của việc tung lên mạng xã hội. chúng tôi đưa ông ta lên UBND xã và sau đó khoảng 22h ông ta được thả. Hiện nay chồng tôi bị khởi tố về tội danh: bắt giữ người trái phép và làm nhục người khác.
Hiện tại cơ quan công an và gia đình tôi cũng không thể liên lạc được với ông ta mặc dù ông ta hẹn cơ quan công an sẽ về cùng luật sư và phóng viên để thanh lý hợp đồng với gia đình tôi và làm việc với bên công an. Hiện nay chúng tôi có làm đơn xin bảo lãnh cho chồng tôi đc tại ngoại nhưng cơ quan công an trả lời phải đợi ông ta về thanh lý hợp đồng. và hiện nay chồng tôi đã bị tạm giữ 8 ngày nhưng ko có bất cứ giấy tờ gì thông báo cho gia đình về việc tạm giữ chồng tôi và chúng tôi cũng ko được vào thăm. vậy nhờ luật sư tư vấn cho tôi một số vấn đề sau:
Thứ nhất: việc cơ quan công an tạm giữ người mà ko thông báo gì cho gia đình cũng như không cho vào thăm là đúng hay sai.
Thứ hai: nếu ông V ko về thanh lý hợp đồng như đã hẹn với công an thì chúng tôi có quyền được bảo lãnh cho chồng tôi ko bởi vì chồng tôi phạm tội lần đầu và nơi cư trú rõ ràng và cũng ko phải tội nguy hiểm hay đặc biệt nguy hiểm.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
- Quy định về tạm giữ và thời hạn tạm giữ
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tạm giữ và thời hạn tạm giữ để điều tra như sau:
“Điều 117. Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”
“Điều 118. Thời hạn tạm giữ
1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.”
Theo đó, khi chồng chị bị áp dụng biện pháp tạm giữ, thông thường thời hạn tạm giữ là ba ngày, tuy nhiên nếu thấy cần thiết có thể gia hạn thêm hai lần, mỗi lần không quá ba ngày. Hiện nay, chồng chị đã bị tạm giữ 8 ngày, nếu đúng theo quy định của pháp luật, chồng chị chỉ bị tạm giữ tối đa 9 ngày (với hai lần gia hạn tạm giữ).
Như vậy, nếu sau thời hạn 9 ngày tạm giữ, nếu không có đủ căn cứ để khởi tố bị can, thì cơ quan ra quyết định tạm giữ phải trả tự do cho chồng chị.
Khi ra quyết định tạm giữ, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phải thông báo cho gia đình chị và chính quyền địa phương nơi chồng chị cư trú. Do đó, cơ quan công an cần báo cho gia đình chị biết về việc chồng chị bị tạm giam trong trường hợp này.
- Chế độ thăm nuôi người bị tạm giữ
Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giam, tạm giữ 2015 quy định như sau:
“1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:
...
d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;”
Như vậy, theo quy định thì người bị tạm giam tam giữ có quyền được gặp thân nhân - người thân khi đang áp dụng chế độ quy định tại luật này.
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 thì:
“Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.”
Theo đó, với những người trên được coi là thân nhân của người bị tạm giữ thì những người này sẽ được gặp chồng chị trong thời gian đang bị tạm giữ. Cũng có nghĩa, chị có thể thăm nom chồng chị trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, việc tiếp xúc giữa nhân thân và người bị tạm giam cũng phải thực hiện theo những quy định tại Điều 22 Luật thi hành tạm giam, tạm giữ 2015 như sau:
1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
2. Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ;
không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Do đó, với việc thăm nom người bị tạm giữ thì thân nhân được gặp một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Thời gian gặp mặt không quá 01 giờ. Ngoài ra, đối với người không phải thân nhân của ngươi đang bị tạm giữ thì nếu có nhu cầu gặp mặt thì phải được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý án hoặc trong trường hợp tăng thêm số lần gặp cũng phải được đồng ý.
Như vậy, việc thăm nuôi của thân nhân người bị tạm giữ phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp hoặc trong các trường hợp đặc biệt khác nếu được yêu cầu phối hợp với cơ sở giam giữ. Người đến thăm nuôi phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người đang chấp hành án. Thời gian và đại điểm gặp sẽ do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định và thông báo cho cơ quan đang thụ lý về việc thăm nom.
- Biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm theo quy định tố tụng hình sự
Pháp luật về tố tụng Hình sự có quy định về Biện pháp bảo lĩnh tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
“Điều 121. Bảo lĩnh
1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
2. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
3. Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.
4. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
5. Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.”
“Điều 122. Đặt tiền để bảo đảm
1. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
2. Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
3. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
4. Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định tại Bộ luật này. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.
5. Người thân thích của bị can, bị cáo được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Khi làm giấy cam đoan, người này được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo.
6. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm.”
Do đó, pháp luật chỉ đặt ra biện pháp bảo lãnh và đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm tronng trường hợp thay thế cho biện pháp tạm giam, chồng chị đang bị áp dụng biện pháp tạm giữ nên sẽ không được thực hiện hai biện pháp thay thế này. Trong trường hợp sau khi hết thời hạn tạm giữ mà có quyết định tạm giam với chồng chị, thì căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của chồng chị mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét xem có được áp dụng các biện pháp thay thế như bảo lãnh hoặc đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm để chồng chị được tại ngoại hay không.
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất