Tặng cho nhà cho con có cần sự đồng ý của những người khác không?

Bố mẹ tôi muốn chuyển đi nên muốn bán căn nhà để chia tài sản cho con nhưng tôi muốn giữ lại căn nhà đó nên đã nhường lại cho anh trai căn nhà chung cư đã mua và đưa tiền cho bố mẹ tôi. Như vậy, nếu sau này có tranh chấp, anh tôi có quyền đòi căn nhà đó không?

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư Tôi có chuyện muốn hỏi về quyền thừa kế tài sản khi cha mẹ chưa qua đời. Cha mẹ tôi di dân nên muốn chia nhà cho 3 con đang ở Việt Nam, anh ba tôi đã được chia đất đai và ở riêng nhưng tên vẫn trong hộ khẩu, căn nhà còn lại ba mẹ tôi sẽ bán đi và chia ba phần tôi 1 phần, anh hai tôi 1 phần, 1 phần ba mẹ tôi mang theo qua bên nước ngoài. Nhưng do tôi muốn giữ lại căn nhà nên đã nhường lại cho anh hai tôi căn hộ chung cư do tôi mua, và đưa tiền cho ba mẹ tôi mang đi di dân, thì tôi sẽ lấy căn nhà đó, nếu ba mẹ tôi sang tên cho tôi, thì sau này mấy anh tôi có quyền tranh chấp căn nhà chung đó hay không? Hay tôi có cần phải làm giấy tờ gì để chứng mình căn nhà đó đã thuộc quyền sở hữu của tôi, tránh trường hợp tranh chấp sau này. Cám ơn luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Vì bố mẹ bạn vẫn còn sống nên chưa đặt ra vấn đề về thừa kế, thừa kế chỉ đặt ra khi bố mẹ bạn mất, trong trường hợp của bạn, nếu bố mẹ bạn đứng tên là chủ sở hữu căn nhà thì bố mẹ bạn có quyền tặng cho căn nhà đó cho bạn mà không cần phải có sự đồng ý của người khác, kể cả những người con của bố mẹ bạn, căn cứ vào Khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014:

 

Điều 10. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở

 

1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

 

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

 

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

 

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

 

d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

…”

 

Trường hợp này, khi bố mẹ bạn tặng cho bạn căn nhà thông qua hợp đồng tặng cho bất động sản có công chứng hoặc chứng thực thì hợp đồng này đã phát sinh hiệu lực, khi bạn đăng ký sang tên căn nhà này thì bạn đã trở thành chủ sở hữu hợp pháp với căn nhà. Vì việc bố mẹ bạn tặng cho bạn căn nhà này không phụ thuộc vào sự đồng ý của những người anh của bạn vì căn nhà là tài sản chung của bố mẹ bạn nên họ không có quyền đòi lại tài sản khi căn nhà này được bố mẹ tặng cho bạn thông qua hợp đồng tặng cho hợp pháp.

 

Trường hợp căn nhà thuộc sở hữu chung của cả bố mẹ và các anh của bạn thì khi cha mẹ bạn chuyển nhượng lại quyền sở hữu căn nhà cho bạn thì mới cần có sự đồng ý của các anh của bạn và khi có tranh chấp xảy ra, các anh của bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để đòi quyền sở hữu với phần tài sản chung. Bạn đã cho anh bạn căn nhà chung cư và đưa tiền cho bố mẹ, khi thực hiện những giao dịch này, các bên nên lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trong đó ghi rõ việc bạn đưa tiền cũng như tặng nhà chung cư để đổi lại quyền sở hữu căn nhà của bố mẹ bạn. Để tránh tranh chấp xảy ra sau này, việc tặng cho căn nhà cho bạn cần được lập thành văn bản, có sự đồng ý của tất cả chủ sở hữu và phải được công chứng, chứng thực và thực hiện đăng ký sang tên chủ sở hữu với căn nhà này.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169