Phạm Diệu

Tặng cho người thừa kế khác di sản thừa kế cần những thủ tục nào?

Luật sư tư vấn về thủ tục thực hiện khi tặng cho người thừa kế khác hưởng toàn bộ di sản thừa kế. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính chào Công ty Luật Minh Gia. Tôi được biết về công ty thông qua các phương tiện truyền thông trên Internet và muốn xin tư vấn của công ty về thủ tục và chi phí xử lý Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người đã chết không di chúc: Ông bà tôi có sở hữu một mảnh đất và có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ghi tên Ông và Bà trong đó có chú thích Ông đã chết. Hiện nay bà và các con ông đều vẫn còn sống còn bố mẹ của ông đã chết. Khi ông mất không viết lại di chúc. Vậy thì thủ tục để đưa hoàn toàn Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của 2 ông bà phải xử lý thế nào để trở thành chỉ còn tên của Bà, để Bà là người sở hữu duy nhất? Chi phí theo tỉ lệ % giá trị mảnh đất sẽ như thế nào? Trân trọng cám ơn Quý Công ty. Hi vọng nhận được phản hồi sớm của Quý Công ty!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo thông tin bạn cung cấp, mảnh đất trên là tài sản thuộc sở hữu chung của ông bà. Hiện nay, ông đã mất. Theo đó, ½ tài sản trên thuộc sở hữu của bà bạn; ½ còn lại của ông bạn sẽ trở thành di sản thừa kế.

 

Do ông bạn mất không để lại di chúc nên phần di sản thừa kế trên sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

…”.

 

Căn cứ quy định nêu trên thì phần di sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ (bà bạn), các con. Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Tuy nhiên, hiện tại các đồng thừa kế (các con) muốn để lại phần thừa kế mình được hưởng cho bà. Do vậy, để bà là người sở hữu duy nhất phần đất trên thì bà và các con cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã (phường).

 

Tại Điều 57 Luật công chứng 2014 quy định như sau:

 

“Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

 

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

 

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

 

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

…”.

 

Như vậy, theo quy định trên, trường hợp các con muốn tặng cho phần di sản thừa kế được hưởng của mình cho mẹ (bà của bạn) thì phải thể hiện rõ trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, đồng thời văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được công chứng.

 

Sau khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được công chứng, gia đình có thể gửi hồ sơ tại Phòng tài nguyên và môi trường cấp quận (huyện) để làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, sang tên cho người bà là sở hữu duy nhất. Hồ sơ bao gồm:

 

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

 

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản chính);

 

- Các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động;

 

- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu (bản sao).

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo