Đinh Ngọc Huyền

Tài sản riêng của vợ, chồng có trước thời kì hôn nhân có phải nhập vào tài sản chung?

Hỏi: Tôi và vợ của có quen nhau và đã sống thử trước khi hôn nhân. Trong thời gian sống thử thì vợ tôi đã có một đời chồng và đã li thân trước đó 3 năm. Đến khi quen và về sống thử với nhau thì cô ấy có một khoản tiền rồi nhờ cô em ruột đứng ra mua nhà đứng tên của em cô ấy. Đến lúc cô ấy ly hôn với chồng xong thì em cô ấy mới làm giấy tờ cho tặng lại cho cô ấy.

Theo tôi được biết thì không có làm thủ tục cho tặng tài sản riêng. Đến khi tôi và cô ấy kết hôn thì có mua một căn nhà đứng tên chung ca hai vợ chồng là tài sản chung. Vậy cho tôi hỏi căn nhà trước khi kết hôn như vậy thì khi ly hôn tôi có được quyền yêu cầu xác nhập tài sản chung không. Và nếu sự thật như theo tôi nói thì người chồng cũ có được quyền đòi hỏi không. Và khi chưa li hôn chồng cũ mà cô ấy đã kết hôn với người nước ngoài thi tôi có được quyền khởi kiện cô ấy không. Và nếu kiện thi hậu quả sẽ ra sao? Xin gia đình luật tư vấn giúp tôi. Để tôi chọn lựa sự quyết định đúng đắn. Xin cảm ơn

Trả lời: 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất về tài sản riêng của vợ, chồng:

Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng...”

Điều 44 quy định về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng thì:

“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

...”

Như vậy, căn nhà mà vợ bạn có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ bạn. Vợ bạn có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung. Nếu vợ bạn không đồng ý nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung thì khi ly hôn đây vẫn là tài sản riêng của vợ bạn và bạn không có quyền yêu cầu nhập tài sản riêng của vợ bạn vào khối tài sản chung.

Thứ hai, tặng cho quyền sử dụng đất:

Nếu việc vợ bạn mua ngôi nhà trước khi kết hôn với bạn và do em vợ bạn đứng tên thì trong trường hợp này, dù vợ bạn mua bằng tài sản riêng hay tài sản chung trong thời kì hôn nhân thì chồng cũ của vợ bạn không có căn cứ căn cứ để đòi lại tài sản. Bởi quyền sử dụng đất đang do em vợ bạn đứng tên nên việc chứng minh đó là tài sản mua bằng tài sản chung của vợ chồng là rất khó khăn.

Còn về vấn đề tặng cho tài sản thì em vợ bạn hoàn toàn có quyền tặng cho vợ bạn quyền sử dụng đất do em vợ bạn đang đứng tên. Việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Theo quy định tại điểm a, d Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:

"a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này

...

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã".

Thứ ba, về việc kết hôn với người khác khi chưa ly hôn:

Nếu hiện nay giữa bạn và vợ bạn đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp mà vợ bạn có đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì bạn có quyền khởi kiện. Còn nếu thời điểm đăng ký kết hôn với người nước ngoài, vợ bạn đang có quan hệ hôn nhân với người chồng cũ thì bạn không có quyền khởi kiện (vì thời điểm đó bạn không có quan hệ pháp lý với vợ bạn, không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình quy định về các hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân quy định:

“c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”

Theo đó, bạn và vợ bạn chưa ly hôn nhưng vợ bạn đã kết hôn với người nước ngoài là vi phạm quy định của Luật hôn nhân và gia đình hiện hành.

Trong trường hợp này, bạn có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa vợ bạn và người nước ngoài kia. Sau khi yêu cầu của bạn được giải quyết, quan hệ hôn nhân giữa vợ bạn và người nước ngoài kia đương nhiên bị hủy bỏ.

Hành vi kết hôn với người khác khi chưa ly hôn của vợ bạn có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;”

Ngoài ra, hành vi kết hôn với người khác khi đang có chồng của vợ bạn tùy theo mức độ còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, nếu gây hậu quả nghiêm trọng (làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo