LS Hồng Nhung

Tài sản hình thành từ thu nhập của người chồng

Tài sản hình thành từ thu nhập của người chồng được xác định là tài sản chung hay tài sản riêng? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Xin chào văn phòng luật sư Minh Gia. Tôi xin phép được VP tư vấn cho trường hợp như sau: Vợ chồng anh trai tôi cưới nhau được hơn 7 năm đã có 2 con. Năm 2012 anh trai tôi sang Đài loan lao động 3 năm trong 3 năm làm việc bên đấy anh trai tôi đã gửi tiền về nhà và nhờ bố vợ mua hộ mảnh đất tại khu đô thị mới gần nhà. Hiện tại mảnh đất đó đã được vợ chồng anh trai tôi xây nhà năm 2017 nhờ sự chung tay góp sức của cả hai bên nội ngoại.  Đến thời điểm hiện tại miếng đất vẫn chưa làm có sổ đỏ do BQLDA vẫn chưa làm xong. Trong quá trình sinh sống gia đình có xảy ra cãi cọ nhau và đến nay gia đình nhà vợ anh trai tôi gây sự đòi anh tôi ký giấy ly hôn.

Tôi xin phép hỏi miếng đất đấy có thuộc quyền sở hữu của anh trai tôi không? Và nếu xảy ra ly hôn thì anh trai tôi có quyền gì về mảnh đất đó?

Tôi xin trân thành cảm ơn

Trả lời tư vấn:  Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như bạn đã trình bày trên đây về việc vợ chồng anh trai bạn “cưới nhau” chúng tôi chưa thể xác định được giữa vợ chồng anh trai bạn có tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp (có đăng ký kết hôn) hay không? Do đó, có thể xảy ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: nếu vợ chồng anh trai bạn không có đăng ký kết hôn, không có quan hệ hôn nhân tồn tại trên thực tế thì mảnh đất được hình thành từ thu nhập của anh trai bạn là tài sản riêng của anh trai bạn. Vậy, anh trai bạn có quyền sử dụng, định đoạt mảnh đất.

Còn ngôi nhà gắn liền với đất thì phải xem xét công sức của mỗi bên trong quá trình tạo lập, hình thành ngôi nhà thông qua mức thu nhập của mỗi bên, phần tài sản riêng mà mỗi bên sử dụng để xây nhà. Vì mảnh đất là tài sản riêng của anh trai bạn, nên nếu chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng, anh trai bạn có nghĩa vụ phải trả lại phần giá trị ngôi nhà cho các bên tương ứng với phần đóng góp của họ.

Trường hợp 2: nếu vợ chồng anh trai bạn có đăng ký kết hôn thì giải quyết như sau:

1. Xác định quyền sở hữu mảnh đất

Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Căn cứ theo quy định này, có thể thấy mảnh đất được hình thành từ nguồn thu nhập của anh trai bạn; và thu nhập của anh trai bạn trong quá trình xuất khẩu lao động sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Vậy nên mảnh đất và ngôi nhà gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng; vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung đó.

Đối với quá trình hình thành ngôi nhà, nếu các bên nội ngoại muốn đòi lại phần đóng góp của mình thì phải chứng minh được phần đóng góp của mình. Theo đó, đây sẽ được xác định là khoản nợ chung của vợ chồng anh trai bạn và mỗi người sẽ có nghĩa vụ trả nợ như nhau theo Khoản 1 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Quyền của mỗi bên đối với tài sản chung khi ly hôn

Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng sẽ được đem ra chia đôi khi vợ chồng ly hôn theo Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Đồng thời, theo quy định này, việc chia tài sản chung có thể xem xét chia phần nhiều hơn cho người có công sức đóng góp lớn hơn. Để chứng minh công sức đóng góp lớn hơn, anh trai bạn có thể căn cứ vào mức thu nhập thực tế của mình ở thời điểm hình thành tài sản đó theo điểm b Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:

“b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.”

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vì theo thông tin anh trai nhờ bố vợ mua hộ nên cần xác định trên hợp đồng thể hiện ai là bên mua. Nếu anh trai bạn đứng tên mua hoặc ủy quyền cho bố vợ thì giải quyết như trên. Nhưng nếu hợp đồng đứng tên mua là bố vợ (không có hợp đồng ủy quyền) thì anh trai cần chứng minh được số tiền chuyển cho bố vợ để làm căn cứ giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo