LS Hồng Nhung

Tài sản đang thế chấp có được sang tên hay không?

Trường hợp bên thế chấp bán tài sản mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì tài sản đó có thể bán hay không? Nếu bán tài sản đang thế chấp mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì tài sản đó có thể được sang tên hay không? Vấn đề xử lý khoản nợ của bên thế chấp và bên nhận thế chấp sẽ như thế nào nếu các bên vẫn chấp nhận bán tài sản đang thế chấp? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn thế chấp tài sản

Các quan hệ pháp luật dân sự tồn tại trong xã hội hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là quan hệ nghĩa vụ dân sự về hợp đồng vay. Trong trường hợp người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ cam kết thì bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc họ thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền lợi của các bên trong trường hợp này vẫn bị động và đạt hiệu quả không cao, do đó pháp luật cho phép các bên có thể thoả thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm việc giao kết hợp đồng cũng như thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Trong đó, thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm trong giao dịch dân sự, là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.

Biện pháp thế chấp tài sản có nhiều ưu điểm hơn so với các biện pháp khác, bởi lẽ đối với bên nhận thế chấp, do không trực tiếp nắm giữ tài sản nên không mất chi phí cho việc duy trì, bảo quản tài sản cũng như không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản thế chấp. Đối với bên thế chấp thì họ vẫn được tiếp tục sử dụng, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, đặc biệt có thể thế chấp một taid sản để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ khác nhua nếu tổng các nghĩa vụ không lớn hơn giá trị tài sản thế chấp. Do đó, trong các giao dịch dân sự ngày nay các bên thường lựa chọn hình thức thế chấp tài sản. Tuy nhiên, không phải bên nào trong giao dịch dân sự có thế chấp tài sản cũng nắm rõ quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ các bên trong thế chấp tài sản nên các tranh chấp phát sinh từ biện pháp thế chấp cũng diễn ra khá phổ biến. Trong trường hợp bạn cần hỗ trợ, tư vấn để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tài sản đang thế chấp có được sang tên hay không?

Nội dung tư vấn: Chào văn phòng luật sư. Cho em hỏi vấn đề sang tên xe khi xe còn thế chấp ngân hàng. Chuyện là em mới mua chiếc xe exceter đã qua sử dụng, khi mua xe có cavert gốc đầy đủ và em có làm giấy mua bán và đã đóng thuế cước bạ sang tên xe. Khi nộp hồ sơ vào đăng ký cơ quan hẹn tuần sau đến sang tên do cơ quan công an phải rút hồ sơ gốc về. Khi em đến khi cơ quan trả lời là xe này chưa sang tên được do đang thuế chấp vay ngân hàng. Đến khi nào trả hết có giấy của ngân hàng mới xoá được. Nhưng em không hiểu tại sau vay ngân hàng mà lại có cavet gốc.

Luật sư cho em hỏi như vậy xe em có cách nào sang tên được không ạ? Do số nợ người đó nợ nhiều không biết đến khi nào mới có khả năng chi trả.

Và nếu em không sang tên mà để vậy liệu em có vi phạm pháp luật không ạ? Và nếu khoản nợ ngân hàng vậy mà người đó bỏ trốn z em có phải trả khoản đó không ạ?

E chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn đã cung cấp, tài sản này đang thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nhất đinh với bên nhận thế chấp. Và theo quy định tại Điều 371 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Vậy, theo quy định này, việc tài sản đang thế chấp không đồng nghĩa với việc bên thế chấp phải giao giấy tờ gốc cho bên nhận thế chấp giữ. Do đó, người bán xe cho bạn có thể giữ giấy tờ gốc nếu ngân hàng không yêu cầu phải cung cấp giấy tờ gốc cho ngân hàng giữ.

Trong trường hợp này, việc bên thế chấp bán tài sản cho bạn phải xem xét việc bán tài sản này có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Có được bên nhận thế chấp đồng ý hay không? Nếu việc bán tài sản không được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp được bán thì giao dịch dân sự giữa bên thế chấp và bạn sẽ được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu theo Khoản 8 Điều 320, Khoản 4, Khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015:

 “Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp

1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

...

8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

“Điều 321. Quyền của bên thế chấp

...

4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

...

Vậy, để có thể mua bán và sang tên đối với chiếc xe này, bạn cần phải có sự đồng ý của ngân hàng về việc bán chiếc xe.

Nếu bạn không sang tên xe mà vẫn lưu hành chiếc xe này thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi “không có giấy đăng ký xe” theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:

“3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định;

...”

Đồng thời, nếu bên thế chấp không trả được khoản nợ, khi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm, bạn có thể sẽ phải giao lại tài sản để ngân hàng xử lý bởi vì bạn là người chiếm hữu không ngay tình theo quy định của pháp luật dân sự. Ngoài ra nếu bên thế chấp không trả được nợ mà bỏ trốn thì bạn không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay họ vì hợp đồng thế chấp tài sản là hợp đồng giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp; theo đó bên thế chấp sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp giữa bạn và bên thế chấp và ngân hàng có thỏa thuận bằng văn bản cam kết rằng bạn sẽ trả nợ nếu bên thế chấp không trả được nợ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo