LS Vũ Thảo

Tài sản đang cầm cố có bị kê biên thi hành án không?

Thưa luật sư. Em có một vài câu hỏi. Xin luật sư giải đáp cho em. Mẹ em có đứng ra vay hộ cho cô em số tiền 600 triệu lãi là 2.500 đồng một ngày trả được hơn một tháng tiền lãi và bớt được 200 triệu tiền gốc. Nay cô em làm ăn bể nợ có ra công an khai nhận là nhờ mẹ em vay số tiền trên và hứa sẻ làm ăn và trả dần.

 

Nay người ta làm đơn kiện mẹ em lên tòa án. Xin hỏi luật sư mẹ em phải chịu những trách nhiệm gì và bên cho vay có quyền yêu cầu tòa án cưỡng chế tài sản nhà em không ạ. Trong khi tài sản nhà em đang cầm cố ở ngân hàng thời gian là 3 năm. Và còn 2 năm nữa mới tới thời hạn đáo sổ ngân hàng. Xin luật sư giải đáp giúp e. Em xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Về hợp đồng vay tài sản: 

 

Theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định Hợp đồng vay tài sản như sau:

 

"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

 

Và Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

 

"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."

 

Theo đó, nếu các bên có hợp đồng vay tài sản thì bên vay có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay khi đến hạn. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả.

 

Đối chiếu với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn có đứng ra vay hộ cô bạn 600 triệu đồng, lãi suất 2.500/ngày. Tuy nhiên, bạn cần xác định rõ việc mẹ bạn vay hộ cô bạn thì có giấy tờ gì chứng minh hay không? Trường hợp không có căn cứ chứng minh cô bạn vay 600 triệu thì mẹ bạn sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền này cho bên cho vay theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp mẹ bạn không thanh toán số tiền này đúng hạn thì bên cho vay có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu mẹ bạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ. 

 

- Về vấn đề thi hành án:

 

Điều 9 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.Hết thời hạn này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

 

Đối với tài sản đang bị cầm cố, thế chấp thì việc kê biên được tiến hành theo Điều 90 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014. Cụ thể:

 

"1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

 

2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này."

 

Như vậy, nếu hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà mẹ bạn không thi hành thì sẽ bị áp dụng hình thức cưỡng chế. Việc cưỡng chế thi hành án không được tiến hành trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định. Trường hợp mẹ bạn không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án thì Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên, xử lý tài sản mà mẹ bạn đang cầm cố nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Việc kê biên tài sản này không cần phía Ngân hàng đồng ý, tuy nhiên Chấp hành viên phải thông báo ngay cho Ngân hàng để các bên hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản. Khi xử lý tài sản cầm cố, Ngân hàng nhận cầm cố sẽ được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán nghĩa vụ trả nợ cho bên vay tài sản. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng 

Phòng Luật sư tư vấn Luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo