Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tài khoản ngân hàng không đứng tên chung của vợ chồng có được phân chia khi ly hôn không?

Hiện nay, tài khoản ngân hàng đã trở nên phổ biến nên nhiều cặp vợ chồng hướng tới việc gửi tiền thu nhập của mình vào tài khoản nhân hàng để chi tiêu hoặc tiết kiệm. Tuy nhiên, tài khoản ngân hàng này thường chỉ đứng tên một mình vợ hoặc chồng. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, các cặp vợ chồng gặp rất băn khoăn về số tiền trong tài khoản ngân hàng đó có được coi là tài sản chung hay không. Dưới đây là một số nội dung của Luật Minh Gia liên quan đến vấn đề này.

Nội dung câu hỏi: Hiện tại, tôi có một người anh trai đã cưới vợ được 7 năm, nhưng đến nay thì mối quan hệ rạn nứt và không thể hàn gắn được nên đã quyết định ly hôn. Từ lúc kết hôn tới nay, tất cả tiền anh tôi làm ra chị đều giữ và anh không biết tổng số tiền mà anh đã đưa cho vợ là bao nhiêu, ngoài khoản tiền anh đưa cho chị thì còn có thêm các nguồn thu nhập khác từ trồng trọt và chăn nuôi. Anh tôi thường xuyên đi làm ăn xa nên các khoản chi tiêu chị dâu tôi là người chi ra. Trong quá trình chung sống thì chị có mở tài khoản để gửi tiền tiết kiệm nhưng không đứng tên anh tôi hay chung cho 2 vợ chồng. Tôi muốn hỏi là nếu ly hôn thì số tiền mà chị gửi ngân hàng trong quá trình sống chung có được tính là tài sản chung của 2 vợ chồng, có được phân chia không? Đồng thời, Anh chị đã có với nhau 3 đứa con lần lượt 7 tuổi, 5 tuổi và 1 tuổi thì quyền nuôi con sẽ như thế nào? Rất mong nhận được phản hồi sớm từ anh/chị. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, việc phân chia tài sản

Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Theo quy định này của pháp luật thì tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động của vợ chồng  hoạt động sinh hoạt, sản xuất…trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu hợp nhất và được dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình.

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì chị dâu bạn mở tài khoản ngân hàng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Nếu chị dâu bạn không chứng minh được đó là tài sản riêng (tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng, hoặc tài sản có được trước thời kỳ hôn nhân) thì về nguyên tắc tài khoản ngân hàng này sẽ được chia đôi.

Thứ hai, về quyền nuôi con

Quyền nuôi con được quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và Gia đình 2014. Cụ thể:

“ [...] 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Với trường hợp của anh bạn, nếu hai người thỏa thuận được việc nuôi con thì việc nuôi con sẽ theo thỏa thuận của hai người. Nếu không thỏa thuận được thì quyền nuôi con sẽ được giải quyết như sau:

Đối với người con thứ nhất: Cháu đã 7 tuổi vì vậy tùy thuộc theo nguyện vọng của cháu để Tòa xác định xem cha hay mẹ sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu.

Đối với người con thứ hai: Cháu mới có 5 tuổi vì vậy việc ai nuôi con cần phải có sự đồng ý của người kia. Nếu như hai người không thỏa thuận được thì hai bên phải chứng minh các điều kiện đảm bảo tốt nhất  cuộc sống của con. Anh trai bạn phải chứng minh được mình có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con tốt hơn người mẹ về mọi mặt như các yếu tố tinh thần, thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục, tình cảm dành cho con..., các điều kiện về kinh tế, chỗ ăn ở... Hội đồng xét xử sẽ xem xét, dựa trên quyền và lợi ích của con dựa trên các tiêu chí về điều kiện kinh tế, môi trường sống, thời gian làm việc...của hai bên để đưa ra quyết định ai là người được quyền trực tiếp nuôi con.

Đối với người con thứ ba: Do cháu mới 01 tuổi nên theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình thì quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ khi người mẹ không có khả năng nuôi dưỡng như mất năng lực hành vi dân sự, thường xuyên đi làm xa không có điều kiện chăm con hoặc do vợ chồng có thỏa thuận.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn trực tuyến để được giải đáp thắc mắc. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169