Tách, chuyển hộ khẩu sau khi ly hôn
Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của chị chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo như trường hợp của chị, chúng tôi hiểu là chị đã nhập vào sổ hộ khẩu của chồng chị khi kết hôn, do đó căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi bổ sung 2013) quy định về tách sổ hộ khẩu:
Điều 27. Tách sổ hộ khẩu
1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
Như vậy, nếu chị muốn tách, chuyển hộ khẩu phải không cần sự đồng ý của chủ hộ do chị không thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật Cư trú.
Về trường hợp của con chị, Luật cư trú 2006 cũng quy định về chỗ ở của người chưa thành niên như sau:
Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên
1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.
2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, muốn thay đổi nơi cư trú của conthì cần sự đồng ý của cả cha và mẹ. Tuy nhiên, nếu chị đã giải quyết ly hôn với chồng và có bản án/quyết định của Tòa để chị là người trực tiếp nuôi con thì chị có thể dựa vào bản án/quyết định này để làm thủ tục tách khẩu cho con nếu không có sự hợp tác của người chồng.
Mặt khác, nếu việc thương thuyết với chồng không được (mà Tòa án quyết định cho chị nuôi con sau khi ly hôn) thì chị có quyền khiếu nại theo Điều 39 Luật Cư trú năm 2006 quy định về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm:
“1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Người nào vi phạm quy định của pháp luật về cư trú thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Hành vi của người chồng là vi phạm quyền tự do cư trú theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú năm 2006:
“1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.
2. Lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.
Vì vậy, chị vẫn có thể tách, chuyển hộ khẩu cho con chị về quê của chị được
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tách, chuyển hộ khẩu sau khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất