Nguyễn Nhàn

Súng tự chế là gì? Sử dụng, mua bán súng có vi phạm không?

Thực tế hiện nay cho thấy các hành vi tự chế tạo súng, mua bán và sử dụng súng trong đời sống xã hội không phải vấn đề mới phát sinh mà thực trạng này đã có từ rất lâu. Việc chế tạo và sử dụng súng xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau như để đi săn, để phòng thân hoặc để sử dụng vào những mục đích bất hợp pháp khác. Bởi vì hành vi chế tạo, mua bán và sử dụng súng tiềm ẩn những nguy cơ cao có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người; gây bất ổn trong xã hội nên pháp luật quy định việc chế tạo, sử dụng, mua bán súng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Do đó, thông qua bài viết này, Luật Minh Gia cung cấp cho quý khách hàng cách nhìn nhận đúng đắn về súng tự chế và các chế tài pháp lý áp dụng đối với hành vi chế tạo, sử dụng, mua bán súng trái pháp luật.

1. Súng tự chế là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành không có quy định giải thích như thế nào là súng tự chế. Tuy nhiên, dựa trên hình thái, cấu trúc và nguồn gốc hình thành của loại súng này, có thể hiểu: Súng tự chế là một loại vũ khí được con người tự chế tạo, lắp ráp không theo quy trình sản xuất, không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật; có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất nhất định.

Bởi vì súng tự chế có khả năng gây sát thương và có tính nguy hiểm lớn nên đây cũng được coi là một loại vũ khí theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, được sửa đổi, bổ sụng năm 2019:

“6. Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”

Theo đó, pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau:

- Sở hữu vũ khí;

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán vũ khí hoặc các bộ phận để lắp ráp vũ khí;

- Lợi dụng, lạm dụng về sử dụng vũ khí để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí hoặc các bộ phận để lắp ráp vũ khí;

- Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí;

- Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bám, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển vũ khí,…

2. Thực trạng sử dụng súng tự chế

Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về sự nguy hiểm của việc chế tạo, sử dụng, mua bán trái phép súng tự chế nhưng một số người dân vẫn lén lút chế tạo, sử dụng súng tự chế với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, có thể kể đến một số mục đích mà người chế tạo, sử dụng súng tự chế hướng đến như: Để săn bắt động vật quý hiếm hoặc có những trường hợp nguy hiểm hơn là sử dụng súng tự chế để đe dọa người khác, để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống thường ngày. Điều này kéo theo những hậu quả hết sức nặng nề như dẫn đến tuyệt chủng một số loài động vật quý hiếm được pháp luật bảo vệ; gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người.

Do đó, để không còn những cái chết thương tâm, oan uổng do súng tự chế gây ra, để bảo vệ các loài động vật quý hiếm thì mỗi cá nhân trong xã hội cần phải nhận thức đúng đắn về tính nguy hiểm của súng tự chế; nêu cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua tin báo, tố giác tội phạm; góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương nơi mình sinh sống và làm việc.

3. Chế tài xử lý đối với hành vi chế tạo, sử dụng, mua bán súng

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà người thực hiện hành vi chế tạo, sử dụng và mua bán súng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

c) Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự;

…”

Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ 

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

…”

Ngoài ra, người sử dụng súng trái phép nếu gây thương tích hoặc gây thiệt hại về tính mạng con người còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người theo quy định của pháp luật hình sự.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo