Nguyễn Thị Thùy Dương

Sổ thăm gặp người bị tạm giam là gì? Khi nào được làm sổ thăm gặp?

Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Người bị tạm giam có quyền được gặp người thân, người bào chữa, … Theo quy định, việc thăm gặp người bị tạm giam được thể hiện thông qua sổ thăm gặp người bị tạm giam.

1. Chế độ thăm gặp người bị tạm giam

Căn cứ quy định tại Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự là một trong những quyền cơ bản của người bị tạm giam. Cụ thể như sau: 

1.1. Gặp thân nhân

Thân nhân của người bị tạm giam là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng với người bị tạm giam. Bao gồm: ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

Việc gặp thân nhân được quy định tại Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 như sau: “[...] Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.”

Ngoài ra, người đến thăm gặp người bị tạm giam phải xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giam (nếu là thân nhân của họ). 

1.2. Gặp người bào chữa

Khác với thân nhân bị giới hạn thời gian và số lần gặp, người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh.

Ví dụ: Người bào chữa có quyền có mặt trong quá trình hỏi cung người bị tạm giam; được gặp, hỏi người bị tạm giam;...

Đồng thời, người bào chữa phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa khi gặp người bị tạm giam. 

1.3. Tiếp xúc lãnh sự

Chế độ tiếp xúc lãnh sự được áp dụng đối với người bị tạm giam là người nước ngoài. 

Theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 120/2017/NĐ-CP, tiếp xúc lãnh sự là hoạt động của viên chức ngoại giao, lãnh sự thuộc cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch đến thực hiện việc tiếp xúc lãnh sự.

2. Sổ thăm gặp người bị tạm giam là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định hướng dẫn trực tiếp về sổ thăm gặp người bị tạm giam mà chỉ dừng lại ở việc quy định về sổ thăm gặp phạm nhân (sổ gặp phạm nhân). 

Trên thực tế, sổ thăm gặp người bị tạm giam có tên đầy đủ là “Sổ thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân”. Do đó, có thể áp dụng các quy định pháp luật về sổ thăm gặp phạm nhân đối với sổ thăm gặp người bị tạm giam. 

Theo đó, sổ thăm gặp người bị tạm giam là tài liệu, hồ sơ thể thông tin về những cuộc gặp mặt giữa người bị tạm giam và thân nhân của họ. Bên cạnh đó, sổ thăm gặp người bị tạm giam cũng thể hiện danh sách những người là thân nhân của người bị tạm giam

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA, thân nhân có tên trong sổ thăm gặp người bị tạm giam sẽ được thăm gặp người bị tạm giam mà không cần phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân với người bị tạm giam. 

3. Phát hành sổ thăm gặp người bị tạm giam

Theo Khoản 6 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA, cơ sở giam giữ người bị tạm giam có trách nhiệm phát hành Sổ gặp người bị tạm giam theo mẫu thống nhất của Cục Cảnh sát quản lý trại giam. Sổ thăm gặp người bị tạm giam phải được Thủ trưởng cơ sở giam giữ người bị tạm giam ký, đóng dấu và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận danh sách những người là thân nhân của người bị tạm giam.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này quy định như sau: 

“Thân nhân đến gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ gặp phạm nhân (trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ hoặc không có tên trong Sổ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân) [...]”

Như vậy, có thể hiểu, sổ thăm gặp người bị tạm giam sẽ được cơ sở giam giữ người bị tạm giam phát hành theo quy định và giao cho thân nhân người bị tạm giam giữ sau lần gặp đầu tiên.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo