Hoài Nam

Séc là gì? Sử dụng séc trong giao dịch ngân hàng khi nào?

Séc là một trong những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng khá phổ biến trong các giao dịch dân sự ngày nay. Vậy séc là gì? Sử dụng séc trong các giao dịch nào?

1. Khái niệm về séc

Theo wikipedia tiếng Việt, Séc hay chi phiếu là một văn kiện mệnh lệnh vô điều kiện thể hiện dưới dạng chứng từ của người chủ tài khoản, ra lệnh cho ngân hàng trích từ tài khoản của mình để trả cho người có tên trong séc, hoặc trả theo lệnh của người ấy hoặc trả cho người cầm séc một số tiền nhất định, bằng tiền mặt hay bằng chuyển khoản. Ngoài ra séc cũng có thể được định nghĩa là một hối phiếu ký phát đòi tiền một ngân hàng, thanh toán ngay khi có yêu cầu.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, séc được coi là một loại ngoại hối, một trong những phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ (khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng 2010). Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 22/2015/TT-NHNN giải thích “séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát trích một số tiền nhất định từ tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.” Theo định nghĩa này, séc được xác định là một loại tài sản, cụ thể là giấy tờ có giá và có thể là đối tượng của các giao dịch dân sự.

2. Chủ thể liên quan đến hoạt động thanh toán bằng séc

Dựa vào định nghĩa về séc theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 22/2015/TT-NHNN có thể xác định được 03 chủ thể chính trong quan hệ thanh toán bằng séc, bao gồm: Người ký phát, người bị ký phát và người thụ hưởng. Người ký phát là người lập và ký phát séc. Người bị ký phát là ngân hàng mở tài khoản thanh toán cho người ký phát có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi trên séc theo lệnh của người ký phát. Người thụ hưởng là một trong những người sau:

- Người được nhận số tiền ghi trên séc theo chỉ định của người ký phát;

- Người nhận chuyển nhượng séc theo các hình thức chuyển nhượng quy định pháp luật;

- Người cầm giữ séc có ghi trả cho người cầm giữ.

Ngoài những chủ thể trên, quan hệ thanh toán séc còn có thê có sự tham gia của những người liên quan bằng cách ký tên trên séc với tư cách là người chuyển nhượng, người bảo lãnh, người bảo chi.

Người chuyển nhượng là người thụ hưởng séc chuyển giao quyển sở hữu séc cho người nhận chuyển nhượng séc bằng hình thức ký trên mặt sau của séc và chuyển giao cho người nhận chuyển nhượng.

Người bảo lãnh là người cam kết sẽ thanh toán toàn bộ hay một phần số tiền ghi trên séc cho người thụ hưởng khi đến hạn thanh toán mà người được bảo lãnh không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ nghĩa vụ trả tiền ghi trên séc.

Người bảo chi là người bị ký phát bảo đảm khả năng thanh toán cho tờ séc khi tờ séc được xuất trình trong thời hạn xuất trình đòi thanh toán.

3. Nội dung của séc

Séc gồm 02 mặt là mặt trước và mặt sau. Theo quy định tại Điều 58 Luật các công cụ chuyển nhượng về các nội dung của séc như sau:

Các nội dung mặt trước của Séc

- Từ "Séc" được in phía trên séc;

- Số tiền xác định (Số tiền ghi bằng số trên séc phải bằng với số tiền ghi bằng chữ trên séc. Nếu số tiền ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì séc không có giá trị thanh toán.)

- Tên của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là người bị ký phát;

- Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người ký phát chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán séc theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán séc cho người cầm giữ;

- Địa điểm thanh toán;

- Ngày ký phát;

- Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân và chữ ký của người ký phát.

Lưu ý: Séc thiếu một trong các nội dung trên thì sẽ không có giá trị, trừ trường hợp địa điểm thanh toán không ghi trên séc thì séc được thanh toán tại địa điểm kinh doanh của người bị ký phát. Tổ chức cung ứng séc có thể đưa thêm những nội dung khác mà không làm phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý của các bên như số hiệu tài khoản mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc, địa chỉ của người ký phát, địa chỉ của người bị ký phát và các nội dung khác.

Các nội dung mặt sau của Séc

- Ghi các nội dung chuyển nhượng séc.

4. Séc sử dụng trong giao dịch ngân hàng khi nào?

Hiện nay, có 05 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt:

- Hình thức thanh toán bằng séc.

- Hình thức thanh toán bằng uỷ nhiệm chi - Lệnh chi.

- Hình thức thanh toán uỷ nhiệm thu - Nhờ thu.

- Hình thức thanh toán thư tín dụng.

- Hình thức thanh toán thẻ ngân hàng

Theo đó, Séc là một trong 5 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, được sử dụng phổ biến trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Séc được khách hàng ưa chuộng bởi tính năng có thể chuyển nhượng của séc. Họ có thể dùng tờ séc đó trả tiền cho một người khác mà họ muốn.

Tuy nhiên, séc cũng có nhược điểm là từ khi người trả tiền ký phát đến khi người thụ hưởng trình séc để thanh toán thì có thể tài khoản của người trả không đủ số dư để thanh toán (trừ trường hợp Séc bảo chi). Do đó, trên thực tế, séc bảo chi được sử dụng phổ biến hơn cả. Một vấn đề nữa khách hàng cần lưu ý đó là thời gian séc có hiệu lực hay thời gian sử dụng séc. Thông thường trên mỗi tờ séc sẽ được in thời hạn ngay trên bề mặt của séc đó, nhưng đối với một số loại séc quốc tế thì các thông tin sẽ được in bằng tiếng anh nên người dùng cần phải biết đọc và hiểu được ý nghĩa của các thông tin đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169