Sau thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật có thể xin giảm án không?
Câu hỏi tư vấn: Xin chào văn phòng luật sư Luật Minh Gia, tôi có điều muốn hỏi, mong luật sư cho ý kiến! Bố tôi bị xét xử ngày 25/11/2016 - Áp dụng khoản 2 điều 281; điểm b khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự: Xử phạt 03 năm tù, nội dung vụ việc diễn ra vào thời điểm kiểm đếm và bồi thường Giải phóng mặt bằng khu CNC năm 2008. Bố tôi khi đó đang làm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã ,bố tôi không nằm trong tổ kiểm đếm, cũng như chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Cụ thể: Ông V được Ủy ban nhân dân xã cho thuê 1 thửa đất từ trước, ông đó lại nợ mẹ tôi 1 khoản tiền nên đến năm 2007 đã gán nợ thửa đất đó cho mẹ tôi (giấy viết tay, không có xác nhận Ủy ban nhân dân xã). Đất đó là đất của Ủy ban nhân dân, tổ kiểm đếm tiến hành kiểm đếm trên thửa đất đó. Bố tôi đã nhờ ban kiểm đếm lập hồ sơ kiểm đếm thửa đất đó cho mẹ tôi, và được nhận về đền bù 208 triệu Việt Nam đồng. Sau khi vụ việc bị làm rõ, bố tôi đã hoàn trả lại toàn bộ tiền đền bù cho nhà nước. Bố tôi bị viện kiểm soát nêu rõ: " Vì động cơ cá nhân, đã lập khống hồ sơ bồi thường và tài sản trên đất, ký giả mạo chữ ký của vợ để hưởng lợi 208 triệu đồng. "Với quyết định phạt tù 03 năm, tôi muốn hỏi: liệu bố tôi có thể được thi hành án "cải tạo không giam giữ" được không? Vì bố tôi bây giờ 54 tuổi, không được khỏe. Nên tôi muốn hỏi Luật sư, có cách nào để xin về cải tạo không giam giữ được không? Kính chúc sức khỏe và thuận lợi trong công việc! Trân trọng.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại bố bạn chưa chấp hành hình phạt tù và muốn thay đổi từ hình phạt từ hình phạt tù (3 năm) thành hình phạt cải tạo không giam giữ. Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng….”
Hành vi phạm tội của bố bạn bị truy cứu theo Khoản 2 Điều 281 nhưng vẫn được xem xét giảm xuống khung hình phạt thấp hơn tại Khoản 1 nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên theo quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên vụ việc của bố bạn đã giải quyết từ năm 2016 và có bản án có hiệu lực pháp luật từ thời điểm đó nên hiện tại khi chấp hành án bố bạn không thể yêu cầu giảm xuống mức hình phạt thấp hơn trong bản án đã tuyên. Nếu vụ án có các tình tiết mới hoặc có căn cứ cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để giải quyết lại và có thể được áp dụng hình phạt phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội.
Ngoài ra thì bạn có thể tham khảo thêm một số căn cứ để bố bạn được miễn chấp hành hình phạt hoặc hoãn chấp hành hình phạt như sau:
Điều 57 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về miễn chấp hành hình phạt:
“1. Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
2. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
3. Đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đã được hoãn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật này, nếu trong thời gian được hoãn đã lập công, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt.
4. Đối với người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại…..”
Theo thông tin bạn cung cấp thì sức khỏe bố bạn không tốt, nếu thực tế bố bạn đang mắc bệnh hiểm nghèo và nếu xét thấy không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc đã lập công lớn thì sẽ được xem xét để miễn chấp hành hình phạt tù. Bô bạn có thể gửi đơn kiến nghị kèm theo giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận mắc bệnh hiểm nghèo đến Viện kiểm sát nhân dân để xin được xem xét miễn chấp hành hình phạt tù.
Và căn cứ Khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù:
“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.”
Nếu bố bạn bị bệnh nặng và có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền thì có thể yêu cầu được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù tới khi khôi phục.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Phòng Luật sư tư vấn Luật hình sự - Công ty Luật Minh gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất