Không cho chăm sóc con sau ly hôn phải làm thế nào?
Và cùng thoả thuận cùng chăm sóc yêu thương và thông báo tình hình của con cho nhau. Nhưng, chỉ sau ly hôn, chồng tôi dần dần cắt đứt liên lạc với tôi và không trao đổi thông tin của con cho tôi, anh ấy ghét tôi đến mức gặp mặt không thèm chào nhau, không hỏi han nhau. Giờ thì anh ấy dạy con đến mức ghét luôn cả mẹ (là tôi). Tôi vô cùng đau khổ, tôi không biết hỏi ai để giúp đỡ tôi. Chồng tôi làm vậy với tôi có phạm luật không? Và tôi không biết quyền lợi của tôi như thế nào trong vấn đề này. Tôi đã không được gặp con gái và nó cũng từ chối gặp tôi khoảng 2 tháng nay.
Nước mắt, đau đớn hằng đêm một mình tôi lủi thủi trong bao nỗi buồn. Xin quý luật sư giúp đỡ những thắc mắc giúp tôi. Tôi có thể kiện việc chồng tôi ngăn cản quyền được cùng chăm sóc trao đổi thông tin của con không? Nếu tôi không được gặp con, tôi có quyền dừng việc cấp dưỡng không? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
Theo Khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
"3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."
Và Khoản 2 Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
"2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."
Từ các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn: Bạn không trực tiếp nuôi con nên bạn có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở. Đồng thời, chồng bạn cùng các thành viên khác trong gia đình cũng không được cản trở bạn trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên, bạn chỉ cung cấp thông tin về việc chồng bạn ghét bạn, gặp bạn không chào hỏi thì đây chưa phải là căn cứ xác định chồng bạn cản trở quyền thăm con của bạn. Thêm nữa, bạn cần làm rõ về việc bạn không được gặp con bạn 2 tháng nay là do con bạn không muốn gặp bạn hay do chồng bạn cản trở, không tạo điều kiện để mẹ con bạn được gặp nhau? Trường hợp chồng bạn có hành vi cản trở quyền thăm nom con của bạn thì bạn có thể liên hệ đến chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, công an,..) hoặc gửi đơn đến Tòa để được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Hành vi của chồng bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
"Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau."
- Về nghĩa vụ cấp dưỡng:
Theo Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con."
Và Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
"1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này."
Như vậy, trong trường hợp bạn không trực tiếp nuôi con thì bạn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con (trừ trường hợp vợ chồng bạn có thỏa thuận khác). Việc chồng bạn có hành vi cản trở quyền thăm nom con của bạn không phải là yếu tố loại trừ nghĩa vụ cấp dưỡng của bạn nên bạn không có quyền dừng việc cấp dưỡng. Trường hợp bạn muốn dừng việc cấp dưỡng cho con thì bạn phải thỏa thuận bằng văn bản với chồng bạn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất