LS Thanh Hương

Sau khi ly hôn có được thăm con không?

Luật sư tư vấn về vấn đề sau khi ly hôn có được thăm con không? Nội dung trả lời tư vấn như sau: Xin chào Cty Luật Minh Gia! Tôi có một câu hỏi muốn nhờ quý công ty tư vấn. Tôi và vợ ly hôn được 1 năm, có 1 con chung 6 tuổi và cô ấy nuôi con.

 

Tôi muốn 1 tuần đón con 1 hôm vào thứ 7 để con chơi với bố và ông bà nội, không làm ảnh hưởng đến học hành của cháu nhưng cô ấy chỉ cho đón vài tiếng, không cho con ở với tôi qua đêm, đến ngày đón con lại báo đưa con đi chơi không cho đón, thay đổi giờ đón con theo ý cô ấy và không thống nhất về khung giờ, khiến tôi không thể sắp xếp được thời gian vì cứ sắp xếp công việc xong lại bị thay đổi. Tôi muốn xin tư vấn là tôi có thể làm đơn yêu cầu toà án phân xử xem có thể đón con ít nhất 1 ngày 1 đêm không? Vì tôi nghĩ điều đó đàm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền trực tiếp nuôi con, dạy dỗ, giáo dục và học hành của con. Xin cảm ơn quý cty! 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật minh gia ! Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, Bạn có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án xét xử để bạn có thể đón con 1 ngày, một đêm và trong khoảng thời gian cố định. Mặc dù hai bạn đã ly hôn, tuy nhiên bạn vẫn có đầy đủ những quyền của cha, mẹ đối với con mà không phụ thuộc vào ý chí của người trực tiếp nuôi con căn cứ tại Điều 82, 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

 

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

 

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

 

"..2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con..."

 

Thứ hai, nếu bạn không gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc người trực tiếp nuôi con cản trở việc thăm con của bạn. Trước hết người trực tiếp nuôi con có thể bị phạt hành chính căn cứ tại Điều 53 Nghị định 176/2013 NĐ-CP, Nếu sau khi phạt hành chính mà vợ cũ của bạn vẫn hạn chế quyền thăm con của bạn thì bạn có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết. 

 

Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện  quyền, nghĩa vụ trong gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con;giữa vợ và chồng; giữa anh chị em với nhau.

 

"Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đi với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau".

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng!

Chuyên viên: Mai Nam - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo